Những nhóm này thu hút đông đảo thành viên tham gia bằng cách chia sẻ video hướng dẫn hoặc chào mời sản phẩm với lời cam kết “an toàn và hiệu quả”, nhưng thực chất lại tiềm ẩn rủi ro lớn cả về pháp lý lẫn an toàn.
Các hội nhóm tưng bừng hoạt động
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng mua bán, dạy chế pháo không chỉ sử dụng các nền tảng phổ biến như Facebook, Zalo mà còn chuyển qua các ứng dụng nhắn tin mã hóa để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Một số nhóm sử dụng hình ảnh và video của các sản phẩm pháo hoa hợp pháp, nhưng khi giao dịch lại cung cấp pháo nổ tự chế hoặc hướng dẫn sản xuất trái phép.
Dạo quanh trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt hội, nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Có nhóm còn đặt tên công khai như: “Hội mua bán kclo3, natri lưu huỳnh” hoạt động bên cạnh các nhóm riêng tư cũng liên quan đến vấn đề thuốc nổ, kíp nổ.
Tại đây, hình ảnh pháo nổ, nguyên liệu chế tạo pháo được rao bán công khai. Hoặc nếu có nhu cầu chỉ cần tham gia vào nhóm là có thể đăng tải thông tin mua các loại thuốc nổ, dây cháy chậm, vỏ pháo… để làm pháo. Thậm chí còn rao bán cả pháo nổ thành phẩm nhập lậu cho ai mua chơi Tết. Thường các tiền chất chế tạo pháo sẽ được bán theo combo giá rẻ hơn, nếu bán lẻ thì kclo3 giá 100 nghìn đồng/1kg, natri 110 nghìn đồng/1kg, lưu huỳnh, than xay mịn 60 nghìn đồng/1kg. Nếu khách hàng chưa biết pha trộn, người bán sẵn sàng bán sẵn theo tỉ lệ trộn của từng loại pháo, phụ thuộc vào nhu cầu của khách.
Bất chấp những cảnh báo từ lực lượng chức năng, gần Tết, nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường. Kể lại câu chuyện từ chính người con trai học lớp 8 của mình, chị Phan Thu Giang (trú tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Khoảng nửa tháng trước, chị Giang vô tình đọc được đoạn chát của con trai với một nhóm bạn bàn về việc Tết này sẽ tự chế pháo nổ. “Tôi thấy bọn trẻ bàn với nhau lên mạng đặt mua thuốc rồi về tự trộn. Chúng bảo, phải chế pháo nổ nghe mới đã chứ pháo hoa thì chỉ để nhìn cho đẹp thôi. Thậm chí, trong nhóm đó còn có bạn bảo rằng, cứ thử nghiệm mẻ đầu tiên, nếu thành công sẽ đặt mua nguyên liệu về chế để bán lấy tiền tiêu Tết”.
Trên YouTube xuất hiện nhiều clip hướng dẫn cụ thể công thức, trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ, tiếng hú, tiếng rền của viên pháo. Từ pháo hoa, pháo que bông, pháo trứng cho đến pháo cối, pháo dàn, pháo bi… đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Theo đó, người xem không khó để thực hiện với từng loại pháo. Từ cách chuẩn bị nguyên liệu, nén pháo, dồn pháo cho đến đốt pháo… Để minh chứng cho chất lượng pháo, tay nghề làm pháo, các chủ kênh còn quay video thực hiện nổ pháo ngoài trời. Sau khi đăng tải đã nhận được hàng trăm lượt bình luận, trao đổi về cách làm pháo nổ để đạt chất lượng cao nhất.
Các video với tiêu đề như: “Cách làm pháo từ diêm chơi Tết nổ to”; “Đốt pháo khủng chơi Tết nổ như bom”; “Cách làm pháo, dây pháo, tràng pháo”… có lượt người xem khá lớn. Mỗi video hướng dẫn cụ thể cách làm pháo, diễn tả bằng hình ảnh, âm thanh pháo nổ.
Một trong những nhóm nổi tiếng chuyên mua bán, dạy chế pháo là nhóm “Đam mê chế pháo” với hơn 60.000 thành viên, hàng chục bài chia sẻ, hàng trăm bình luận mỗi ngày về kinh nghiệm chế tạo pháo đạt hiệu quả cao. Trong nhóm này, tài khoản Nguyễn Văn Tiến đăng video chế tạo kèm công thức chế pháo, tỷ lệ pha thuốc đen, trắng, nhũ, lưu huỳnh, natri, than...
Không chỉ đăng các bài viết về mua, bán, dạy và học cách chế pháo, hội nhóm “Đam mê chế pháo” còn lập nhóm chat với hơn 1 nghìn thành viên tham gia. Để tìm hiểu cụ thể, phóng viên cũng trở thành một thành viên của nhóm chat đông đảo này. Thực tế, nhóm chat này tương tác với nhau gần như liên tục, bất kể giờ giấc. Mỗi thành viên vào nhóm lại có những mục đích khác nhau: người rao bán pháo lậu, chất liệu nổ; người tìm mua pháo; người dạy; người học cách tự chế pháo. Khi có một thành viên nào đó chê giá cả đắt thì hầu hết đều nhận được câu trả lời từ nhiều thành viên khác rằng: “Mua hàng cấm còn chê, thích tự mua về mà trộn cho rẻ”. Nhiều người sẵn sàng tặng nhau công thức “trộn” kèm lời khẳng định cứ làm chuẩn theo công thức đó đảm bảo thành công 100%.
Trên YouTube, một tài khoản H.T đăng rất nhiều clip với nội dung test (thử) sức mạnh của các loại pháo, pháo chế khác nhau bằng cách cho nổ cây cối, nón bảo hiểm... Những clip này thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Điều đáng nói, dù chủ tài khoản chỉ đăng clip với lý do “mình rảnh, nghịch nghịch vui vui nên đốt pháo”, “đón bình minh bằng mấy quả pháo”... nhưng thực chất là cách rủ rê nhau đốt pháo nổ. Trong khi trong một video đốt pháo người này còn ghi rõ: “Mọi người muốn công thức thuốc và cách làm thì để lại bình luận nhé”.
Những ngày vừa qua, người dân xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của anh Đào Văn C. (sinh năm 1991) vào tối 15/11. Ông Nguyễn Văn Q., người dân ở thôn 1, xã Du Lễ kể lại, lúc đó gần 20h tối, gia đình ông vừa ăn cơm xong thì bất ngờ nghe tiếng nổ như bom ở phía nhà hàng xóm. Ông Q. và mọi người cùng chạy ra, xác định vụ nổ xảy ra ở nhà anh Đào Văn C. gần đó.
Căn nhà anh C. đã bị biến dạng, cửa cuốn tầng 1 cong dập và bung ra phía ngoài, các cửa tầng 2 bị vỡ, kính rơi vỡ tung tóe, phía trong nhà một số vật dụng đang cháy. Bên trong nhà, anh C. toàn thân sém đen, lê lết ra phía ngoài đường thì gục ngã. Anh C. sau đó được hàng xóm lấy vỏ chăn bọc lại rồi đưa đi bệnh viện…
Sau khi được sơ cứu ở Bệnh viện Kiến An (TP Hải Phòng), anh C. được đưa lên Viện Bỏng quốc gia, tuy nhiên do vết thương quá nặng và đến chiều hôm sau thì tử vong. Liên quan đến vụ nổ, ông Phạm Duy Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Du Lễ cho biết, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ 1 ống kim loại hình trụ tròn dài 55cm, đường kính rộng hơn 10cm, một đầu được hàn kín. Cùng với đó là 10 vật màu nâu cùng kích thước, một đầu hình tròn đường kính khoảng 9cm, một đầu hình phễu có đường kính đáy khoảng 4cm, bên ngoài gắn dây màu, tổng cộng nặng 4,5kg, bước đầu nhận định đây là vỏ pháo, thường gọi là pháo đại.
Trước đó, vào tối 21/10 cũng trên địa bàn huyện Kiến Thụy, người dân thôn Lạng Côn (xã Đông Phương) phát hiện anh Hoàng Đình B. (sinh năm 1986) tử vong do đốt pháo tự chế. Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, anh B. đã tự nhồi thuốc pháo vào một ống nhựa rồi đem ra đường thôn để đốt. Khi không thấy pháo nổ, nghĩ là bị “xịt” nên anh B. chạy đến kiểm tra. Đúng lúc này quả pháo lớn phát nổ, anh B. bị vỡ động mạch cổ tử vong ngay tại chỗ.
Pháo gì cũng có
Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường pháo nổ, pháo hoa lậu lại càng sôi động trên các nền tảng mạng xã hội. Dù bị cấm, việc mua bán pháo vẫn diễn ra công khai hoặc trong các hội nhóm kín với số lượng lớn. Nhiều người rao bán pháo dưới dạng “pháo hoa không tiếng nổ” hoặc “pháo hoa an toàn” để lách luật. Thậm chí, các loại pháo nhập lậu từ nước ngoài với giá cả cạnh tranh cũng được quảng cáo rầm rộ.
Chỉ cần gõ chữ “Pháo Tết” trên Facebook lập tức hiện ra rất nhiều các hội nhóm như: “Pháo Tết không cọc uy tín 100”; “Pháo Tết 2025 uy tín”; “Pháo Tết 2025 không cọc”; “Pháo hoa Z121 Bộ Quốc phòng”… Các hội nhóm này ít cũng vài nghìn thành viên, nhiều có thể lên tới vài chục nghìn thành viên tham gia. Các hội nhóm này hoạt động trong vòng nhiều năm qua, thường xuyên đăng tải các bài quảng cáo bán pháo hoa với mẫu mã đa dạng từ pháo sáng, pháo nháy, pháo nổ đến pháo hoa cầm tay.
Người bán không chỉ rao bán hình ảnh mà còn chia sẻ video minh họa về cách sử dụng và sự đẹp mắt của từng loại pháo hoa. Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một điểm bán pháo hoa chính thức nào đi vào hoạt động.
Trong nhóm “Pháo hoa Z121 Bộ Quốc phòng”, một thành viên có tên Quỳnh Nga đăng bài với nội dung: “Tưng bừng pháo hoa đón Tết nguyên đán. Ưu đãi đặc biệt: Miễn phí ship tỉnh khi mua lẻ từ 2 giàn trở lên. Món quà Tết ý nghĩa, khác biệt và đẳng cấp hơn hẳn. Có sẵn tại Hà Nội - Nhận ship COD toàn quốc. Đặt ngay để có giá ưu đãi trước thềm năm mới. Hóa đơn chi tiết cho từng giàn. Nhận cả sỉ và lẻ - inbox ngay để được tư vấn”. Phía dưới bài viết có rất nhiều tài khoản vào comment “inbox”.
Khi phóng viên có nhu cầu mua sỉ số lượng lớn, người này khẳng định “luôn có số lượng lớn đầu thùng tại kho, khách muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng phải cọc trước 50%”.
Inbox một tài khoản khác để tìm hiểu giá các loại pháo, phóng viên nhận được về báo giá như sau: giàn phun hoa 25 viên nén là 500.000 đồng, giàn phun hoa 36 viên nén là 600.000 đồng, giàn nhấp nháy 25 viên nén là 450.000 đồng, pháo hoa nổ có giá 500.000 đồng/bệ 36 quả, pháo trứng 20 nghìn đồng/quả, pháo bi 400.000 đồng/bịch 100 quả, pháo cối 50.000 đồng/quả,...
Ghi nhận đa phần các đối tượng rao bán pháo lậu qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook hoặc các tài khoản Zalo không có thông tin chính xác để tiện hoạt động. Hầu hết chủ tài khoản không niêm yết giá bán, địa chỉ cụ thể mà yêu cầu khách hàng nhắn tin riêng, giao dịch online thông qua số điện thoại hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Người bán đều cam kết đáp ứng đầy đủ số lượng theo nhu cầu của người mua, an toàn sử dụng, có hóa đơn bán lẻ, hàng không đặt cọc, uy tín, nhận hàng kiểm tra mới thanh toán…
Đáng chú ý, nhiều tài khoản rao bán công khai khẳng định an toàn và không gây cháy nổ, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.Tuy nhiên, khi được yêu cầu sao kê hóa đơn, các đối tượng đều mập mờ, lảng tránh.
Ngày 21/10, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Nghi Lộc, Công an phường Vinh Tân (thành phố Vinh), bắt giữ Đặng Đức Phương (sinh năm 1983, trú tại phường Vinh Tân). Phương bị bắt khi đang bốc xếp pháo tại nhà riêng lên ôtô tải để đi tiêu thụ.
Trong quá trình mở rộng điều tra, ngày 18-20/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) bắt giữ thêm Lê Văn Duẩn (sinh năm 1988, trú tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Nguyễn Quang Nam (sinh năm 1973, trú tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cùng 5 đối tượng khác.
Đây là những người cầm đầu đường dây buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ Campuchia về Nghệ An. Tổng số pháo thu giữ trong chuyên án lên tới 230kg, cùng với 2 ôtô và 4 điện thoại di động.
Trước đó, Đặng Đức Phương đã liên kết với Lê Văn Duẩn để mua pháo lậu từ Campuchia về Việt Nam. Pháo được giấu trong thùng xốp và ngụy trang cùng hàng hóa trên xe tải, sau đó vận chuyển về nhà riêng của Phương tại phường Vinh Tân (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)./.
Nguồn tin: Báo CAND:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...