Các đối tượng, băng nhóm tội phạm hoạt động "tín dụng đen" nhất là các băng nhóm, dối tượng hoạt động theo thủ đoạn truyền thống đã giảm rõ rệt, không còn công khai, lộng hành hoặc gây ra các vụ án, vụ việc có hậu quả nghiêm trọng bức xúc dư luận.
Bài 1: Ngăn chặn các hậu quả phát sinh từ "tín dụng đen"
Tình hình "tín dụng đen" trước năm 2019
Theo Cục Cảnh sát hình sự, trước năm 2019, hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Mặc dù Bộ Công an, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh nhưng việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến "tín dụng đen" do các biện pháp chưa triển khai đồng bộ, chưa căn cơ và vướng mắc về quy định pháp luật dẫn đến "tín dụng đen" trở thành hoạt động thực hiện dễ dàng, thu lời bất chính lớn nhưng khó bị xử lý. Tình trạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh biến tướng, treo dán, rải tờ rơi quảng cáo tràn lan, mọc lên "như nấm sau mưa", "như vòi bạch tuộc hút máu", chặt chỗ này mọc chỗ khác.
"Tín dụng đen" được ví như "cướp ngày" bởi thường do các băng nhóm tội phạm, đối tượng hình sự, cộm cán thực hiện, các đối tượng giăng bẫy, đưa người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, "lãi mẹ đẻ lãi con", trả mãi không hết nợ. Hậu quả của "tín dụng đen" làm phát sinh nhiều tội phạm có tính bạo lực, xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu gây bức xúc dư luận; là những chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội và báo chí. Để đòi được nợ, các đối tượng bất chấp thủ đoạn dùng các cách thức manh động, côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khoẻ người khác và trật tự công cộng như bị truy sát, bắt giữ, đánh đập, đập phá tài sản, huỷ hoại phương tiện, thậm chí dồn ép nạn nhân đến mức đường cùng, phải bán tháo nhà, tài sản, bỏ đi biệt tích hoặc đe dọa, khủng bố, liên luỵ, phiền nhiễu đến cả người thân, hàng xóm, đồng nghiệp.
Cụ thể như, khiêng bình gas, quan tài, rải giấy tiền, phát loa nhạc đám ma, treo đầu động vật, ném máu tươi, đủ các loại chất bẩn, chất thải vào nhà, cơ sở kinh doanh, cơ quan, trường học để gây sức ép cho người thân. Không chỉ những người bị yếu thế, thu nhập thấp, cùng quẫn về tài chính trở thành nạn nhân của "tín dụng đen", còn cả một số công chức nhà nước, con cái của các gia đình có điều kiện kinh tế cũng bị lôi kéo, dụ dỗ vay từ "tín dụng đen" từ vài chục triệu đồng nhưng phải gồng gánh trả nợ lên đến hàng tỷ đồng. Nạn nhân và những người liên luỵ còn bị đe dọa đến mức không dám tố cáo với lực lượng Công an.
Những chuyển biến tích cực
Với vai trò là cơ quan thường trực, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giái pháp có tính căn cơ, đột phá để phòng ngừa và quyết liệt tấn công trấn áp tội phạm, trong đó thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12.
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai các giải pháp có tính căn cơ, đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đồng thời quyết liệt tổng rà soát và truy quét, trấn ấp, đấu tranh, xử lý mạnh mẽ để tạo nên "cú đấm thép" đối với loại tội phạm này.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự nêu rõ, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Cục Cảnh sát hình sự với vai trò là cơ quan thường trực, đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp có tính căn cơ, đột phá để phòng ngừa và quyết liệt tấn công, trấn áp tội phạm. Đồng thời chỉ đạo hệ lực lượng Cảnh sát hình sự làm tốt vai trò tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phòng, chống tội phạm và VPPL liên quan đến "tín dụng đen", tạo nên sức mạnh tổng hợp, với nhiều giải pháp đồng bộ.
Công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của "tín dụng đen" được thực hiện đồng bộ, rộng khắp các cấp, các ngành với các hình thức phong phú, đa dạng đến mọi tầng lớp người dân, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị "tín dụng đen" dụ dỗ, lôi kéo nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác và chấp hành pháp luật; các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở đã phát động quần chúng nhân dân đồng loạt ra quân bóc gỡ tờ rơi, quảng cáo vi phạm và tố giác tội phạm. Hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh cầm đồ, cơ sở biến tướng có dấu hiệu hoạt động "tín đụng đen" được rà soát trên phạm vi toàn quốc để tổ chức kiểm tra, xử lý về tất cả các lỗi vi phạm. Hàng nghìn đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trong đó chủ yếu là các đối tượng hình sự, cộm cán, có tiền án, tiền sự, lưu động từ nơi khác đến được đưa vào diện theo dõi, quản lý chặt chẽ và áp dụng các đối sách đấu tranh, xử lý nghiêm, hàng trăm băng nhóm bị triệt phá ngay từ khi mới manh nha hình thành theo phương châm "bóp chết từ trong trứng".
Các cơ quan có thẩm quyền đã quyết liệt, khẩn trương ban hành, sửa đổi, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý như Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn Điều 201 BLHS để nhanh chóng xử lý các đối tượng vi phạm với mức chế tài răn đe cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm đối với hành vi cho vay lãi nặng và hành vi đòi nợ trái pháp luật, đặc biệt là việc Bộ Công an xử lý hình sự hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng, doanh nghiệp núp bóng đe dọa đòi nợ.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 3.473 vụ án/6.879 bị can liên quan "tín dụng đen" (riêng 6 tháng thực hiện Công điện 766, đã khởi tố 793 vụ án/1.296 bị can), chủ yếu là tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" là tội phạm nguồn. Từ đó ngăn chặn các hậu quả phát sinh từ "tín dụng đen" như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, huỷ hoại tài sản…
Đồng thời, trước những dịch chuyển về phương thức thủ đoạn của tội phạm từ các thủ đoạn truyền thống sang sử dụng công nghệ, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng kịp thời chuyển trạng thái công tác để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng. Đặc biệt là việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xoá bỏ "sim rác, tài khoản ảo", định danh tài khoản và quyết liệt rà soát các hội nhóm, tài khoản, app, website có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" trực tuyến. Trong đó, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm "tín dụng đen" do người nước ngoài cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao để hoạt động "tín dụng đen", cưỡng đoạt tài sản.
Để chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc xử lý nghiêm các hành vi nhắn tin, đe dọa đòi nợ của các đối tượng, doanh nghiệp, công ty luật, Cục Cảnh sát hình sự đã hướng dẫn, phối hợp Công an các địa phương đấu tranh, triệt phá hàng loạt các băng nhóm tội phạm do người nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Latvia…) cầm đầu núp bóng doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi nặng với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng; phối hợp, hướng dẫn Công an các địa phương Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đấu tranh, xử lý hàng loạt băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty luật sử dụng thủ đoạn gọi điện, nhắn tin, đe dọa để cưỡng đoạt tài sản…
Đơn cử, đầu năm 2024, lãnh đạo Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Phòng Trọng án (Phòng 6) xác lập chuyên án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Khánh Hòa triệt xóa băng nhóm sử dụng công nghệ cao do nhóm người Ukraina cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi nặng, triệu tập, bắt giữ 63 đối tượng. Trong đường dây này, hoạt động cho vay được thông qua ứng dụng "easycash.vn" và "onecredit.vn" với số tiền từ 700 nghìn đồng - 40 triệu đồng với lãi suất cộng phí từ 876-1.900%/năm. Hằng tháng, tài khoản chuyển - nhận tiền giao dịch với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Cũng theo Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Ngọc Hà, đến nay, chỉ sau 5 năm, với các giải pháp và kết quả trên, tình hình "tín dụng đen" đã thay đổi rõ rệt. Các đối tượng, băng nhóm, cơ sở hoạt động "tín dụng đen" không còn công khai, lộng hành như trước. Tình trạng các đối tượng côn đồ, "xăm trổ", có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, gọi điện, nhắn tin, ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa… để đòi nợ trái pháp luật không còn diễn biến phức tạp, ngang nhiên. Tình trạng treo biển quảng cáo, phát, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay giảm rõ rệt; từ rầm rộ quảng cáo, công khai mời chào, dụ dỗ người vay chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, phân tán không có cơ sở, địa điểm cụ thể ở nhiều địa bàn, địa phương khác nhau.
Đặc biệt là, sau khi lực lượng Công an quyết liệt đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến "tín dụng đen" nhất là tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, huỷ hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản thì hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, nhắn tin, gọi điện đe dọa, ném chất bẩn, chất thải giảm rõ rệt, tình trạng cho vay lãi cao hầu hết với mức lãi suất dưới 100% và số vụ án có hậu quả nghiêm trọng giảm rõ rệt.
Những thành quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an các cấp, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự, đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực gửi thư khen Cục Cảnh sát hình sự
Vừa qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP có thư khen gửi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Trong thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao thành tích của cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự cùng lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã đạt được, thành tích đó đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Công an có hình thức khen thưởng và đề xuất khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; đồng thời, chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh, trấn áp và xử lý các loại tội phạm, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nguồn tin: Báo CAND:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...