Những chiến công đi vào lịch sử của Đội phòng cháy chữa cháy anh hùng

Thứ bảy - 14/12/2024 21:10
Những câu chuyện về lòng dũng cảm của người lính phòng cháy, chữa cháy Công an Hà Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có lẽ chẳng bao giờ kể hết. Họ đã anh dũng chiến đấu dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân và tất cả cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Những chiến công đó đã được Đảng, Nhà nước, ngành và nhân dân ghi nhận, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 22 tháng 7 năm 1998 .
Trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng, hỏa lực của không quân, hải quân…nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của quân và dân miền Bắc hòng cô lập miền Nam để bình định, thống trị lâu dài. Do đó, chúng điên cuồng đánh phá cả đường bộ, đường sắt và đường thủy… Ở địa bàn Hà Nam có những tuyến giao thông quan trọng để vận chuyển, tiếp tế cho chiến trường miền Nam và là mặt trận rất khốc liệt nhưng cùng với các lực lượng, nhân dân, đội Phòng cháy, chữa cháy Công an Hà Nam đã kiên cường bám đường, bám dân để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình…Cho đến bay giờ qua câu chuyện lịch sử, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nam còn nhớ: Ngày 5 tháng 9 năm 1966, khi phát hiện đoàn tàu chở lương thực, vũ khí, thuốc men đang dừng ở ga Bình Lục, nhiều tốp máy bay Mỹ đã liên tiếp bổ nhào, cắt bom đánh phá khu vực ga và đoàn tàu. Lúc này, đội Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nam với hai xe ô tô và 12 cán bộ, chiến sỹ đã lao tới, nhanh chóng hướng dẫn nhân viên nhà ga và lái tàu đưa đoàn tàu di chuyển. Khi đoàn tàu chạy được khoảng 3km, đến cầu An Tập- Bình Lục, máy bay Mỹ đã đuổi theo đánh phá, bom Mỹ đã ném trúng 3 toa ở giữa đoàn tàu, ngọn lửa bốc cao, nguy cơ cháy lan sang các toa khác và có thể phá hủy cả đoàn tàu. Đồng chí Trần Văn Ba- Trung đội trưởng hiên ngang phất cờ ra lệnh triển khai đội hình dùng lăng phun nước vào toa xe đang cháy và làm mát các toa xe khác không cho ngọn lửa cháy lan sang, trong đó có toa chở xi téc xăng, có toa chở vũ khí. Đồng thời các chiến sỹ hướng dẫn lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân dùng các phương tiện chữa cháy thô sơ dập lửa và tham gia cắt các toa tàu chưa bị cháy đưa ra khu vực an toàn, ngụy trang và che mắt địch. Nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bám đuổi, chúng liên tiếp đánh phá, lúc này một xe ô tô chữa cháy đã bị trúng nhiều mảnh bom, xe bị phá hủy. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Trần Kim Tiến- chiến sỹ của Đội Phòng cháy chữa cháy đã anh dũng hy sinh trong tư thế ôm lăng phun nước vào toa xe đang bị cháy. Noi gương anh, cán bộ chiến sỹ Đội Phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ lại ào lên dập lửa cứu hàng hóa. Gần 10 tiếng đồng hồ liên tục, nhiều người đã lả đi vì đói và khát nước nhưng không một ai chịu lùi bước. Cuối cùng ngọn lửa đã bị dập tắt, gần 200 tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thuốc men được cứu. Ngay sau trận đánh, đồng chí Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC- Bộ Công an đã về tận nơi động viên, khích lệ, khen ngợi cán bộ chiến sỹ Đội PCCC Hà Nam. Sau trận chiến đấu này các đồng chí Trần Kim Tiến được công nhận liệt sỹ, Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến công Hạng Nhất, đồng chí Trần Văn Ba, đồng chí Nguyễn Văn Họa được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Ba, đồng chí Nguyễn Văn Họa được phong hàm vượt cấp và vinh dự hơn ngay sau trận đánh đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng.  
Ngày 04/10/1966 máy bay Mỹ ném bom, bắn phá cụm dân cư bắc Thị xã Phủ Lý, kho bách hóa chợ Bầu bị trúng bom bốc cháy, phân đội Cảnh sát PCCC do đồng chí Nguyễn Văn Nguy phụ trách, đồng chí đã chỉ huy 2 xe và các phân đội kịp thời đến nơi xảy ra cháy. Các đồng chí đã dùng lăng phun nước dập lửa, đồng thời huy động lực lượng dân phòng và nhân dân khu phố 4,5, xã viên hợp tác xã Quyết Tiến huy động 60 xe thồ và 15 xe cải tiến bốc dỡ vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa đến nơi an toàn. Trong lúc mọi người xông vào cứu và vận chuyển hàng chục tấn tài sản thì máy bay Mỹ lại lao xuống bỏ bom, bom nổ làm đồng chí Nguy bị vùi vào trong các kiện hàng (xăm lốp xe đạp…), đồng chí đã gắng sức tự bới các kiện hàng để cứu mình, để rồi lại cùng anh em tiếp tục hô hào, động viên lực lượng dân phòng xông vào dập lửa cứu hàng hóa. Kết quả đã cứu được trên 25 tấn hàng hóa và hàng trăm nóc nhà không bị cháy.
Như được tiếp thêm sinh lực, cán bộ, chiến sỹ đội PCCC lại ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tiếp tục củng cố gần 700 đội dân phòng, nghĩa vụ PCCC ở các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, thôn xóm, khu phố. Đã có hơn 9000 đội viên tham gia, huy động được hàng ngàn lượt xe thồ, xe cải tiến vào việc chữa cháy, sơ tán hàng hóa, tải thương, lấp hố bom, sửa chữa cầu đường. Đội phòng cháy đã nghiên cứu phối hợp với cán bộ xã viên Hợp tác xã cơ khí Quyết Tiến sản xuất thành công bơm nước cho lực lượng dân phòng, chữa cháy nghĩa vụ, cho các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, khu phố, thôn xóm trong tỉnh làm phương tiện chủ lực trong việc cứu chữa các vụ cháy do bom đạn của không quân Mỹ gây ra. Chiến công lại nối tiếp chiến công, ngày 30 tháng 5 năm 1967 máy bay Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá 24 giờ liền xuống khu vực từ phà Hồng Phú đến cảng quân sự Đọ Xá và khu phố 1,2,3 thị xã Phủ Lý. Cán bộ, chiến sỹ PCCC đã dùng 2 xe chữa cháy liên tục xuất kích, không quản hiểm nguy, cứ đâu có lửa bốc cháy là các anh có mặt. Tại khu vực cảng một téc xăng chôn sát ven ven đường 1A đang bốc cháy, nguy cơ sẽ lan sang các khu vực để hàng hóa, lúc này đồng chí Phạm Văn Ta trực tiếp chỉ huy anh em dùng lăng phun bọt và dùng chăn chiên đã thấm nước lao vào phủ lên miệng téc xăng, một mũi khác dùng xe phun nước làm mát cho cán bộ, chiến sỹ khi lao vào lửa làm mát khu vực để hàng hóa.Tiếp sau có sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng của xã Thanh Châu tổ chức vận chuyển vũ khí, thuốc men ra khỏi khu vực đang cháy.Trong khi đang chữa cháy, máy bay Mỹ lại lao đến ném bom, bắn rốc két, nhiều đồng chí do bị lửa nóng, khói bom làm ngạt thở phải đưa ra tuyến sau, và khi được tiếp nước uống, sức khỏe hồi phục anh em lại lao vào cứu chữa. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Phạm Văn Nở bị bỏng nặng khi ôm chăn chiên lao vào bịt miệng téc xăng đang cháy được đưa đi cấp cứu. Với thành tích xuất sắc đó đồng chí được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, nhiều cán bộ chiến sỹ được các cấp khen thưởng, biểu dương.
Do sự đánh phá leo thang ác liệt của đế quốc Mỹ với  hàng trăm trận chiến đấu liên tiếp diễn ra và đặc biệt bước vào năm 1972 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào miền Nam đã giáng cho Mỹ, Ngụy những đòn chí tử cũng là lúc giặc Mỹ dốc lực lượng không quân có cả máy bay chiến lược B52 mở trận quyết chiến với Miền Bắc và thủ đô Hà Nội. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm của quân và dân Miền Bắc là đòn quyết định, là chiến công đánh dập đầu không quân Hoa Kỳ trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với Miền Bắc nước ta. Nhiệm vụ của công tác PCCC ngày càng được quan tâm hơn nhằm phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Miền Bắc hậu phương lớn cho Miền Nam.
Sự kiện ngày 02/7/1972 máy bay Mỹ bỏ bom bắn phá cụm dân cư phía Bắc thị xã Phủ Lý, đội Cảnh sát PCCC đóng tại thị xã Phủ Lý đã cùng dân quân ra sức dập tắc các đám cháy, huy động nhân dân khu dân cư số 4 và 5, điều động trên 50 xe đạp thồ để sơ tán hàng hóa, đạn dược đến nơi an toàn. Trong trận này máy bay Mỹ đã bắn tên lửa làm sập cầu Phủ Lý. Mặc dù máy bay giặc Mỹ gầm rú, liên tiếp bỏ bom, bắn tên lửa, các chiến sĩ PCCC đã động viên lực lượng dân quân và nhân dân dập lửa, cứu được trên 100 người đang bị kẹt do hầm sập, cứu được trên 50 ngôi nhà không bị cháy, san lấp hố bom, sửa chữa kịp thời trên 3km đường ray đảm bảo kịp thời di chuyển cho các chuyến hàng vì miền Nam ruột thịt. Trong trận này, các chiến sĩ Cảnh sát của phân đội PCCC đều thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên cường. Lực lượng dân phòng có các đồng chí Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Hùng (hai bố con) đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy và anh Trần Văn Quang khu phố 3 thị xã Phủ Lý đã anh dũng hy sinh trong khi xông vào dập lửa cứu hàng hóa, anh Quang đã được truy tặng là liệt sỹ.
11
Đồng chí Nguyễn Thị Bình – Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
 tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước
cho Đội PCCC (ngày 22/7/1998)
 
Trong 7 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965-1972) đơn vị đã xuất kích trên 400 lượt, cứu chữa 365 vụ cháy lớn. Có ngày xuất kích 5 lượt. Trong đó có 45 vụ cháy phức tạp nguy hiểm, cùng một lúc chữa cháy xăng dầu, lương thực, hàng hóa, vũ khí. Nhiều vụ chữa cháy trong hoàn cảnh bom rơi, đạn nổ, máy bay địch gầm rít, liên tiếp bỏ bom, bắn tên lửa. Có những trận cùng lúc bom phá, bom nổ chậm, bom bi, bom từ trường nổ ngay trong đám cháy hất cán bộ chiến sỹ ra xa 3 đến 4m; có vụ cháy xăng dầu làm bỏng rộp chân tay, mặt bị khói đen phủ kín… Nhiều vụ phải chiến đấu liên tục từ 5 giờ đến 15 giờ không có cơm ăn, chỉ có mẩu bánh mỳ cầm hơi. Có những lần xe đi chiến đấu bị máy bay giặc Mỹ phát hiện, chúng cắt bom, bắn tên lửa. Song với ý chí quyết chiến, quyết thắng các chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã nêu cao khí phách anh hùng, mưu trí dũng cảm không quản hy sinh đã đưa xe tới hiện trường dập tắt đám cháy bảo vệ an toàn, tính mạng tài sản của Nhà nước và của nhân dân, bảo vệ những kho hàng chiến lược chi viện vào chiến trường.
 Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở thành một mốc son chói lọi, ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Hòa với niềm vui chung của đất nước, lực lượng PCCC Hà Nam luôn tự hào và phát huy chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, vượt qua biết bao khó khăn thử thách trong chiến tranh, trong hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Nam Hà nói chung và phân đội Cảnh sát PCCC Hà Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, có 6 cán bộ chiến sĩ hy sinh và gần chục cán bộ chiến sĩ bị thương trong lúc dập lửa cứu hàng dưới làn bom đạn của máy bay Mỹ. Những hy sinh, thương tích của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC của Công an Nam Hà trong đó phân đội Cảnh sát PCCC  Hà Nam có tới 3 chiến sĩ hy sinh, đã góp phần vào cuộc chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, công nhận chủ quyền dân tộc thống nhất của nước Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước.
Với sự hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường của lực lượng Cảnh sát PCCC nói chung trong đó có Phân đội Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn Hà Nam, đơn vị đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 21 Huân chương các loại. Tập thể được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công Hạng Nhất, 15 Huân chương chiến công Hạng Ba, cá nhân được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Hạng Nhất, 15 Huân chương Chiến công Hạng Ba, còn hầu hết cán bộ chiến sĩ còn lại của đơn vị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công an, của Ủy ban Hành chính tỉnh Nam Hà và lãnh đạo Ty Công an Nam Hà. Ngày 22 tháng 7 năm 1998, Đội đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Những chiến công đó sẽ mãi mãi là những mốc son chói lọi trong lịch sử Công an Hà Nam nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng./.

Tác giả: Lan Anh - Lê Phượng

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay21,811
  • Tháng hiện tại380,259
  • Tổng lượt truy cập8,253,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây