2 cách để đổi số điện thoại trên tài khoản định danh điện tử

Thứ ba - 25/07/2023 22:09
Công dân khi muốn sử dụng số điện thoại chính chủ thay thế cho số không phải của mình khi đăng ký trên tài khoản định danh điện tử, theo quy định có 2 cách để thực hiện.
Tai Khoan Dinhdanhdi
Người dân cần đăng ký số điện thoại chính chủ trên tài khoản định danh điện tử. Ảnh minh hoạ: BCA

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác trên ứng dụng VNeID - ứng dụng hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.

Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, tuy nhiên không phải quy định bắt buộc. Công dân có quyền đăng ký tài khoản định danh điện tử trên tinh thần tự nguyện.

Cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân là nội dung quan trọng trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025.

Thực tế hiện nay có nhiều người sử dụng tài khoản định danh điện tử, đăng ký bằng số điện thoại không phải chính chủ. Số điện thoại đó là của người thân, hoặc số điện thoại bị người khác sử dụng đăng ký định danh...

Công dân khi muốn sử dụng số điện thoại chính chủ trên tài khoản định danh điện tử thì có 2 cách để đổi.

Cụ thể, cách thứ nhất, người dân đến Công an xã, phường để đăng ký đổi số điện thoại. Sau đó, Công an xã, phường sẽ lập danh sách gửi ra Bộ Công an để thay đổi.

Cách thứ hai, người dân gọi điện thoại đến thoại đường dây nóng của Bộ Công an chuyên giải đáp, hỗ trợ thông tin về dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử 19000368. Sau đó, ấn phím 4 để liên lạc với nhân viên tổng đài.

Nhân viên tổng đài sẽ kiểm tra thông tài khoản định danh của công dân, xác minh các thông tin về lý lịch, nơi cư trú... có đúng như trên dữ liệu hay không. Cuối cùng, người dân cần cung cấp số điện thoại mới để thay đổi cho số điện thoại cũ.

Quá trình yêu cầu thay đổi số điện thoại trên VNeID qua tổng đài của Bộ Công an chỉ trong thời gian khoảng 5 phút. Tuy nhiên, do có quá nhiều cuộc gọi đến cùng lúc nên số tổng đài của Bộ Công an thường gặp tình trạng quá tải.

Thời gian hoàn thành đổi số điện thoại trên khoảng 7-10 ngày. Bộ Công an sẽ nhắn tin đến số điện thoại đăng ký mới. Khi đó công dân vào kích hoạt lại tài khoản định danh với số điện thoại mới.

Một câu hỏi khác được đặt ra đó là có cần phải sử dụng sim chính chủ đăng ký trên phần mềm tài khoản định danh điện tử?

Theo quy định, tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định công dân cần cung cấp thông tin về số điện thoại khi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 chứ không bắt buộc phải là sim chính chủ.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, C06, Bộ Công an, công dân nên sử dụng sim chính chủ khi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để đảm bảo an toàn thông tin cho chính bản thân mình.

Việc cập nhật thông tin cá nhân của ứng dụng VNeID là rất quan trọng, nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin cá nhân, giúp cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời các thông tin về cư trú của công dân.

Đặc biệt, khi thay đổi số điện thoại trên VNeID, người dân khi nhập số mới, phải đảm bảo rằng đó là số đó đang hoạt động và thuộc quyền sở hữu chính chủ.

Người dân chỉ có thể thay đổi thông tin số điện thoại một lần trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của ứng dụng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây