Cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Chủ nhật - 12/11/2023 21:49
Việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là điều cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, một trong những nội dung gây chú ý dư luận và sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đó là sửa đổi, bổ sung khái niệm về các loại vũ khí.

    Ngày 25/8, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia thuộc Văn Phòng Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Công an TP Hà Nội và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

z4635651609287 164044416679ce6d9 1692963010714
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phát biểu tại hội thảo.

    Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Trong 5 năm, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm…), linh kiện để lắp ráp là 14.804 vụ (chiếm 76%), 22.532 đối tượng (chiếm 72,6%).

   Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ 350 đối tượng), trong đó, nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.  

    Do vậy, việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là điều cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế. Một trong những nội dung sửa đổi gây chú ý dư luận và sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đó là nội dung sửa đổi, bổ sung khái niệm về các loại vũ khí.

z4635651613551 581392a155535f0eb 1692963055967
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

    Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, khái niệm dao có tính sát thương cao. Theo đó, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất, lắp ráp có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, phá huỷ kết cấu vật chất, bao gồm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

     Trong đó, dao có tính sát thương cao sẽ được quy định là vũ khí quân dụng. Nội dung sửa đổi nêu rõ, dao có tính sát thương cao là loại dao sắc nhọn khi sử dụng trực tiếp gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người tương tự như vũ khí quân dụng thuộc danh mục Bộ Công an ban hành, bao gồm: dao nhọn có kích thước lưỡi dao từ 20cm trở lên; dao sắc có kích thước lưỡi dao 30cm trở lên, chiều rộng lưỡi dao từ 10cm trở lên, độ dày sống dao 0,5cm trở lên; dao bấm nhọn, dao gấp nhọn, dao gạt nhọn.

z4635651610690 2612fe9b2c3a64df3 1692963089887
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến quan trọng của các chuyên gia về Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

     Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, sự cần thiết phải sửa đổi Luật và những nội dung sửa đổi Luật. Ngoài ra, các chuyên gia đã trao đổi về những kinh nghiệm của một số nước quy định quản lý các loại dao, công cụ phương tiện có khả năng gây sát thương; các chính sách lớn đề nghị xây dựng Luật.

     Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, từ các ý kiến góp ý tại hội thảo, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ tiếp thu, tu chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội đưa Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khoá XV, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2024./.

Tác giả: Theo Báo CAND

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây