Hóa giải nỗi sợ sai: Hội chứng 'co cụm', thủ thế an toàn

Thứ tư - 19/04/2023 03:49
Chưa khi nào, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm, dám đột phá lại xuất hiện đáng lo ngại như hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, tê liệt trách nhiệm công; việc trong thẩm quyền nhưng vẫn gửi hồ sơ lòng vòng xin ý kiến mọi nơi, mọi chỗ…, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vậy làm sao “hóa giải” được thực trạng này?
Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm không chỉ là chuyện riêng của TPHCM mà còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương cho đến địa phương. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được, nhiều cơ quan, đơn vị tỷ lệ giải ngân 0%, trong khi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nỗi buồn từ đầu tàu năng động, sáng tạo

“TPHCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng gần đây điều này hầu như không có bao nhiêu”, phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gần đây đã lý giải một phần nào nguyên nhân tăng trưởng kinh tế quý I của thành phố sụt giảm, chỉ đạt 0,7%, xếp thứ thứ 56/63 địa phương.

Kết quả trên, gây “sốc” cho khá nhiều người, bởi từ trước đến nay, nhắc đến tới TPHCM là nhắc đến đầu tàu phát triển kinh tế; nhắc đến sự năng động, sáng tạo, với một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động, đột phá vì lợi ích chung…
 

4a 6638
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên

         Không những thế, TPHCM còn cái nôi nuôi dưỡng, đào tạo những cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích của đất nước. Khi làm Chủ tịch UBND TPHCM, ông Võ Văn Kiệt từng được mọi người đặt biệt danh: “Chủ tịch gạo”, vì đã cho phép công ty lương thực cùng các sở, ngành tới các tỉnh ĐBSCL mua lúa sát theo giá thị trường, gấp 5 lần giá thu mua của nhà nước, để giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của TPHCM.

Sau đó, ông còn được gọi là “Bí thư xé rào”, vì đã tìm cách để sản xuất công nghiệp của thành phố có đủ vật tư nguyên liệu điện, xăng dầu và phụ tùng thay thế thay vì ngồi chờ Trung ương điều chỉnh chủ trương đã không còn hợp thời...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau khi vướng vào một số vụ án, vụ việc, cùng với những vướng mắc của hệ thống pháp luật, sự năng động, tính sáng tạo, đột phá của thành phố đã giảm đi rất nhiều.

Năm 2022, chỉ số PCI của TPHCM giảm 13 bậc. Đáng nói, trong cấu phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường của thành phố xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62.

Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, dẫn đến thành phố không dám quyết, dám làm, việc trong thẩm quyền nhưng vẫn phải hỏi xin ý kiến Trung ương. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Đáng lưu ý là hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

“Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nguyễn Chí Dũng thốt lên như vậy trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với TPHCM mới đây. Bởi với tần suất văn bản hỏi như cách TPHCM làm thời gian qua, thì mỗi ngày Bộ KH&ĐT phải trả lời 2 văn bản của riêng thành phố này.

Còn Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung thì chỉ rõ tình trạng “ba không” đang diễn ra ở thành phố: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
 

4b 5225
Trong cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với TPHCM, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm là một nội dung được đưa ra mổ xẻ, tìm giải pháp khắc phục
(Ảnh: Nhật Bắc)

Nhiều nơi cũng co cụm, không dám quyết, dám làm

Thực tế, nhìn rộng ra, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm không chỉ là chuyện riêng của TPHCM mà diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương cho đến địa phương.

Trong báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị gần đây, cụm từ: “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, dám làm” chưa khi nào lại xuất hiện với tần suất dày đặc như bây giờ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện chậm khắc phục; có tiền mà không tiêu được, giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, hay “băng giá” bất động sản…

“Ai chậm trễ, ai tránh né, ai trì trệ, ai thiếu trách nhiệm, ai sợ sai phạm, ai không dám làm, thận trọng quá mức, cầu an…, chúng tôi có biện pháp hết, báo cáo thay đổi cầu thủ, thậm chí thay đổi thi đua luôn. Đã triển khai. Huấn luyện viên yếu thay đổi luôn”.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công đối với 17 đơn vị, trong đó có Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội..., các địa phương: TPHCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, cho thấy kết quả hết sức lo ngại, khi trong quý I có đến 13/17 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.

Vậy vì sao mà tình trạng sợ sai, sợ rủi ro không dám quyết, dám làm, dám đột phá lại có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây? Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, nguyên nhân chính là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, dẫn đến rủi ro giữa đúng và sai.

Thứ hai, là thời gian qua khi kỷ luật, kỷ cương được siết chặt; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” thì cán bộ không dám làm sai nữa. Thứ ba, trong khi khối lượng công việc phải giải quyết có xu hướng tăng thì tiền lương cơ bản vẫn thấp, dẫn đến cán bộ không có động lực để hành động.

“Việc nhiều, lương thấp; làm thì rủi ro; tiêu cực, tham nhũng thì không dám nữa… Tất cả những cái đó khiến cán bộ, công chức co lại, không còn động lực để làm việc”, ông Lược phân tích.

Tại tờ trình xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn.

Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng lo ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót.

Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Quốc hội (tháng 10/2022), đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) cho biết, có cán bộ tâm sự với ông “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Tất cả những điều trên cho thấy, nỗi sợ rủi ro đang đè rất nặng lên đội ngũ cán bộ. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự trì trệ, tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhất là ở những đầu tàu kinh tế của cả nước và ở những nơi “dính” nhiều đến các vụ án, vụ việc.

Tại cuộc làm việc với TPHCM, ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: TPHCM động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Tức là phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời yêu cầu thành phố phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài.

Dẫn nguồn: Nhóm PVTS - Tiền Phong

Tác giả: Lê Thị Phượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây