Người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích từ Luật Căn cước

Thứ ba - 30/04/2024 00:32
Luật Căn cước được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới, đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06, phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, lực lượng Công an các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước đang tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ những nội dung của Luật Căn cước cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thi hành Luật.
     Thời điểm này, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là 10 điểm mới của Luật Căn cước thông qua mạng xã hội, loa phát thanh, tuyên truyền trực tiếp… để người dân nắm rõ đồng thời nhận thức được những lợi ích khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành.
     Theo Trung tá Mai Thị Phượng, Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, những điểm mới của Luật Căn cước đều được Công an quận Tây Hồ tuyên truyền đến tận người dân thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… Hiện, fanpage có tên Tuổi trẻ Công an quận Tây Hồ đã có đến 147.000 lượt theo dõi. Tại các khu dân cư, tổ dân phố, Công an quận đã kết hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn quận tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Luật Căn cước đến lực lượng cán bộ ở cơ sở.

     “Cùng với việc tuyên truyền 10 điểm mới, chúng tôi cũng tuyên truyền cụ thể những lợi ích đi kèm với những điểm mới của Luật Căn cước như việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân… Căn cước cho người dưới 14 tuổi theo yêu cầu với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.…”, Trung tá Mai Thị Phượng chia sẻ.
     Đồng thời, Công an quận cũng đã tổ chức tuyên truyền đến các nhà trường để giáo viên, học sinh hiểu và biết đến các nội dung của Luật Căn cước. Hiện nay, Công an quận đã tiến hành tuyên truyền thông qua những buổi sinh hoạt với thầy và trò của Trường THCS Chu Văn An và THCS Nhật Tân. Thời gian tới đây, Công an quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các trường trung học cơ sở trên toàn địa bàn quận Tây Hồ.
     Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc cấp căn cước theo yêu cầu, Công an quận Tây Hồ cũng đã tiến hành điều tra cơ bản số công dân trong độ tuổi dưới 14 tuổi bao gồm trẻ em từ 1 tuổi đến dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trên toàn địa bàn quận. Hiện, số lượng 2 nhóm đối tượng trên là hơn 32.000 người. Đây là nhóm đối tượng được quy định cấp căn cước theo yêu cầu tại Luật Căn cước.
    Còn theo Thượng tá Đặng Thị Thúy Dự, đến thời điểm này, Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tuyên truyền các điểm mới của Luật Căn cước thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến như thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…, qua hệ thống loa phát thanh, xe lưu động. Công tác tuyên truyền được triển khai đến tận các quận, huyện, xã, phường. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Công an tỉnh đã dự kiến tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến và Luật Căn cước” với 2 hình thức là thi viết và thi trực tuyến. Đối với cuộc thi viết sẽ tổ chức đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ninh Bình, còn cuộc thi trực tuyến, đối tượng tham gia là toàn thể nhân dân.
     Liên quan đến công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Căn cước trên toàn quốc, theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, thời điểm này, Công an các đơn vị, địa phương trên khắp cả nước đã chủ động, cố gắng, nỗ lực với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng theo tiến độ đề ra.
     Cụ thể, các đơn vị đã tham mưu ban hành kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thi hành Luật Căn cước, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể về nội dung, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị để triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động xây dựng dự thảo 2 Nghị định của Chính phủ và 4 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm đúng tiến độ. Thực hiện các mặt công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Căn cước; tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật... đã được triển khai có chất lượng, đảm bảo tiến độ.
   Để đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Căn cước, các đơn vị cũng đã chủ động xây dựng mẫu thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để bảo đảm triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

10 điểm mới của Luật Căn cước

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3).

2. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46):

Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

3. Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 1/1/2025 (Điều 46):

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18):

Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19):

Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

6. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi (Điều 23):

Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

7. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30):

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33):

Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID).

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23):

Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22):

Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

 



 

Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây