Nhiều thủ đoạn lừa đảo nhắm vào người cao tuổi
Từ kết quả khảo sát và những tình huống diễn ra trong thực tế, các chuyên gia Cục An toàn thông tin đã "đúc kết" có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau.
Mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi có 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên, thanh niên có 13 hình thức; công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo; phụ huynh học sinh có 10 hình thức lừa đảo…
Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào đối tượng người cao tuổi hiện nay là lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ toà án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo cho số đánh đề…
Nhiều chuyên gia an ninh mạng cho rằng, người cao tuổi hiện là đối tượng yếu thế khi tham gia vào không gian mạng. Do vậy, đối tượng này rất cần được tăng cường các giải pháp bảo vệ. Nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, 86% người già kết nối Internet không nghĩ mình là mục tiêu của tội phạm mạng và không tự bảo vệ mình đúng cách. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ.
Tại Việt Nam, khuyến cáo của Bộ Công an, Bộ TT&TT thời gian qua cũng cho thấy, người cao tuổi đang là đối tượng, mục tiêu "tấn công" chủ yếu của tội phạm mạng. Vì vậy, để tránh "bẫy" lừa đảo trực tuyến, người già cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tránh kết bạn với người lạ, không chuyển tiền và thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai trên mạng; với những vấn đề chưa có sự hiểu biết thấu đáo, cần tham khảo thêm ý kiến của con cái và các thành viên trong gia đình trước khi đưa ra quyết định.
Cảnh giác với các hình thức lừa đảo tài chính đang "nở rộ"
Theo Cục An toàn thông tin, hiện nay các thủ đoạn lừa đảo tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng đang… nở rộ. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người dùng là giả danh các ngân hàng, công ty tài chính để lừa đảo. Đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu dùng muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó do dính nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần CMND hoặc CCCD và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân từ CCCD đến ảnh chân dung để phục vụ làm hồ sơ vay. Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay. Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác như đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Bên cạnh đó, một số thủ đoạn lừa đảo tài chính khác như người dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân để đi vay tín dụng; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng để thu thập thông tin; giả mạo các trang thông tin điện tử của tổ chức, doanh nghiệp như Bảo hiểm xã hội, ngân hàng; lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế và tiền ảo… cũng đã và đang nở rộ nhằm "tấn công" người dùng.
Để phòng ngừa các nguy cơ trên, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số CCCD, số CMND, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc. Đặc biệt, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Ngoài ra, đối với các hình thức lừa đảo đầu tư, chứng khoán quốc tế, tiền ảo, các chuyên gia khuyên người dùng hãy cẩn trọng với các khoản phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường; cẩn trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà mình chưa có đủ thông tin; hãy luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực.
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân