Pháp luân công thực chất là gì?
Pháp luân công hay còn gọi là “Pháp luân đại pháp” thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa học hay lý thuyết tư tưởng hệ, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Lý thuyết tu tập của Pháp luân công dựa trên sự kết hợp giáo lý Phật giáo, khí công, âm dương, đạo giáo, vũ đạo, thiền... trong đó lấy một phần giáo lý Phật giáo và khí công làm nền tảng.
Pháp luân công mượn vỏ bọc của môn khí công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để lôi kéo quần chúng tham gia, củng cố tổ chức tự thân, khuếch trương thanh thế nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức, đòi được công nhận tư cách pháp nhân. Tổ chức này bề ngoài dựa vào khái niệm “Chân Thiện Nhẫn” để hoạt động, tự cho rằng phi chính trị, phi tôn giáo, phi lợi nhuận, chỉ là khí công, chữa bệnh nhưng thực chất đó chỉ là sự giả dối, lừa gạt để hợp thức hóa sự hoạt động. Khi có những vấn đề không đồng thuận với chính quyền, các tín đồ của Pháp luân công có thể tụ tập đông người gây áp lực với chính quyền, hoạt động gây rối để công khai hóa tổ chức. Tổ chức của Pháp luân công không có cơ sở thờ tự, quyền năng chỉ được trao duy nhất trong các bài giảng của người lập ra Pháp luân công. Xét về phạm vi tổ chức, Pháp luân công được thực hiện thông qua cộng đồng kết nối toàn cầu và mạng internet chủ yếu là trực tuyến, hiện nay đã hình thành “hệ thống quản lý” giống mô hình mạng lưới đa cấp. Pháp luân công dùng các trang thông tin điện tử để quản lý, điều phối hoạt động và hướng dẫn tập luyện.
Hoạt động lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của Pháp luân công
Từ khi Pháp luân công du nhập vào Việt Nam, mặc dù không được pháp luật cho phép nhưng các đối tượng cốt cán thực hiện nhiều thủ đoạn, hoạt động khác nhau từ công khai tới lén lút. Xuất phát điểm từ việc tập luyện khí công dưỡng sinh, nhiều người đã tu tập Pháp luân công một cách sai lệch, tôn vinh như một thứ tôn giáo khiến nảy sinh nhiều biến tướng, gây thiệt hại đến bản thân và xã hội. Pháp luân công đã thu hút, lôi kéo nhiều người dân và thậm chí cả một số cán bộ, đảng viên tham gia. Các phần tử tuyên truyền Pháp luân công cho rằng tích cực luyện tập Pháp luân công sẽ chữa được bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo mà không cần dùng thuốc và đến bệnh viện; chúng đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập đông, luyện tập gần nhau sẽ nhanh tạo ra “công lực”. Hiện nay, trên thế giới chưa có bất kỳ công bố khoa học nào khẳng định hoặc công nhận tác dụng của phương pháp tu tập Pháp luân công như những gì Pháp luân công đang tuyên truyền.
Nhiều người đã ngộ nhận Pháp luân công là một môn tu tập của Phật giáo nên đã tin theo. Các nhóm Pháp luân công đã có những biểu hiện gây mất an ninh trật tự, như: tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức nhiều người tập trung tại nơi công cộng để tập luyện theo nhóm; in sao, lưu hành, tán phát trái phép các loại tài liệu (sách, băng đĩa DVD, VCD, CD…) có nội dung liên quan Pháp luân công; một số người đã tuyên truyền Pháp luân công dùng nguyên lý “chân - thiện - nhẫn” để đánh vào đức tin, lừa phỉnh, ràng buộc “học viên” tích cực tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia; đặc biệt cho rằng tập luyện Pháp luân công “khỏi bệnh thần kỳ, khỏe người”, chữa được bách bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo mà không cần phải dùng thuốc, tốt cho sức khoẻ. Pháp luân công cổ vũ “từ bỏ tình thân”, chuyên tâm theo học “pháp luân đại pháp” để được thăng cấp, cuối cùng sẽ tu thành “Phật, Đạo, Thần”. Nhiều người luyện tập đến mức mê muội, bị ảo giác, thậm chí thực hiện hành vi phạm tội, như vụ án Phạm Thị Thiên Hà, vào tháng 5/2019, cầm đầu một nhóm tu luyện theo Pháp luân công đã thực hiện hành vi giết chết 02 người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông hòng phi tang xác nạn nhân. Nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn cá nhân trong quá trình “tu tập” giáo phái lạ... Nhiều người cả tin đã bỏ bê công việc, gia đình. Một số người có bệnh, tin và tham gia Pháp luân công, không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Nhiều người bệnh cả tin, tiếp tục luyện tập Pháp luân công đã dẫn tới tử vong (một số trường hợp ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam…). Tại Quảng Bình, đã có 6 trường hợp theo tu luyện Pháp luân công nhưng không lành bệnh mà dẫn đến những cái chết thương tâm như 2 trường hợp tại xã Quảng Sơn (TX.Ba Đồn) là anh T.Đ.T. (tập Pháp luân công từ năm 2011) và bà T.T.K (tập Pháp luân công từ năm 2010). Bà K. tử vong khi đang trong tư thế ngồi thiền tập Pháp luân công.
Cảnh giác với hoạt động lợi dụng của Pháp luân công
Pháp luân công là một tổ chức lợi dụng sắc màu tôn giáo, khí công dưỡng sinh để hợp pháp hóa các hoạt động mang màu sắc chính trị. Pháp luân công không dừng lại ở việc tập luyện để nâng cao sức khỏe mà đã bộc lộ rõ bản chất lợi dụng niềm tin tôn giáo, luyện tập sức khỏe với mục đích chính là các hoạt động lôi kéo người tập tham gia chống phá chính trị, xóa bỏ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây mất ổn định an ninh xã hội. Đến thời điểm hiện tại Đảng và Nhà nước ta vẫn chưa công nhận tư cách pháp nhân, cấp phép hoạt động cho Pháp luân công, vì vậy người dân cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Nhận thức đúng bản chất của Pháp luân công, tuyệt đối không có chuyện tập luyện Pháp luân công chữa được bách bệnh. Thay vì tìm đến Pháp luân công để rèn luyện sức khỏe, mọi người nên tích cực tham gia các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư; tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe lành mạnh theo quy định; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc và nơi ở phòng tránh các loại bệnh tật.…
- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Nhà nước, đặc biệt là Luật An ninh mạng, không truy cập vào các trang thông tin phản động và các trang mạng xã hội tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ Pháp luân công; không đăng tải, in ấn, tán phát, chia sẻ, bình luận cổ vũ, tuyên truyền các nội dung tài liệu về Pháp luân công trên mạng internet. Mọi hành vi in ấn, phát tán tài liệu để phục vụ cho Pháp luân công đều là vi phạm pháp luật. Theo khoản 2 điều 27 Nghị định 159/NĐ-CP ngày 12/01/2013 của chính phủ, hành vi in ấn, phát tán tài liệu để phục vụ cho Pháp luân công có thể bị xử phạt với mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng về hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.
- Nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, làm theo sự lôi kéo của các đối tượng xấu lợi dụng Pháp luân công tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật. Phát phát hiện, phê phán bản chất phản khoa học, phản văn hóa, phản xã hội, các quan điểm sai trái, các hoạt động mê tín, lợi dụng của Pháp luân công; đồng thời, tích cực đấu tranh phê phán với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến Pháp luân công. Khi phát hiện các hành vi tuyên truyền, lôi kéo, kích động xúi giục người khác theo tập Pháp luân công hay in ấn, tán phát các loại tài liệu, hình ảnh, ấn phẩm có nội dung liên quan đến Pháp luân công trên địa bàn tỉnh (sử dụng tài liệu tuyên truyền là các sách: “Chuyển pháp luân”, “Đại viên mãn pháp”, “Tinh tấn yếu chi”) kịp thời thông báo cho cơ quan, chính quyền nơi gần nhất để xử lý theo quy định.