Hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại lễ công bố Công an tỉnh Hà Nam là đơn vị đầu tiên hoàn thành cấp CCCD gắn chip cho người dân, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh 3 lợi ích cốt lõi, đặc biệt quan trọng trong quá trình triển khai Đề án 06.
Theo đồng chí Thứ trưởng, đó chính là tạo nên một xã hội văn minh, phòng, chống tham nhũng nhất là "tham nhũng vặt", phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm. Việc cấp CCCD cho những người dân nằm trong diện được cấp chính là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu này.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, mặc dù chúng ta đi sau các nước tiên tiến trên thế giới hàng chục năm về chuyển đổi số, song trên tinh thần sáng tạo, chủ động, giải pháp khoa học, tự tin và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, dù mới 3 năm triển khai nhưng những kết quả mang lại bước đầu là rất to lớn. "Việc "phủ sóng" CCCD gắn chip cũng như phát triển những tiện ích, dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân đỡ vất vả trong giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cuộc sống"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Trên cơ sở việc "phủ sóng" CCCD gắn chip trên toàn địa bàn, thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đã gợi mở, tỉnh Hà Nam đã và đang ứng dụng các dữ liệu liên quan đến y tế, đất đai… qua CCCD gắn chip, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Lấy ví dụ về ngành du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phân tích, từ việc nhận diện được số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nam đông vào thời điểm nào, khu vực nào, lãnh đạo sẽ xây dựng được các kế hoạch phương án "đón" và phục vụ lượng du khách này tốt nhất; chuẩn bị những điều kiện giữ chân họ ở lại lâu hơn, đến nhiều lần hơn với Hà Nam, từ đó phát triển kinh tế - xã hội. Hay qua phân tích những dữ liệu về y tế sẽ giúp lãnh đạo tỉnh đề ra các chính sách phù hợp với từng khu vực, đối tượng dân cư, tác động tích cực đến đời sống của người dân, nâng cao chất lượng sống, sức khỏe cho nhân dân.
Trên lĩnh vực đất đai, một trong những lĩnh vực thiết yếu, có vai trò và tác động rất lớn đối với người dân, xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đánh giá, khi chúng ta xây dựng được dữ liệu đất đai xác thực định danh từng thửa đất với từng cá nhân, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp sẽ chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, biện pháp trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng…, sử dụng nguồn lực đất đai phát triển và đóng góp to lớn vào sự khát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước. Hà Nam hay bất cứ địa phương nào cũng vậy, những yếu tố trên là tương đồng khi ứng dụng dữ liệu, CCCD gắn chip phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Để đạt được kết quả là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, như khẳng định và biểu dương của lãnh đạo Bộ Công an, rõ ràng tỉnh Hà Nam đã tập trung đầu tư cho Đề án 06 và những nguồn lực đầu tư này đã mang lại giá trị cao cho tỉnh nhà. Khi có CCCD gắn chip rồi, làm thế nào để gia tăng những giá trị này ngày càng thêm lớn lao hơn. Đây không chỉ là câu hỏi của lãnh đạo Bộ Công an, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 đặt ra đối với tỉnh Hà Nam mà còn với các địa phương khác trên cả nước nói chung, cũng như các bộ, ngành có liên quan.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, không gì khác, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, "chìa khóa" CCCD gắn chip sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý, đẩy mạnh đầu tư, triển khai những dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao giá trị, cải cách hành chính. Hiện nay, qua tìm hiểu, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hà Nam đang ở mức giữa, nếu cộng thêm những kết quả vừa qua trong triển khai cấp CCCD gắn chip, thực hiện những dịch vụ công phục vụ người dân thì những chỉ số đó sẽ được thăng hạng, đẩy Hà Nam lên tốp đầu các tỉnh có chỉ số dịch vụ công, chỉ số năng lực cạnh tranh cao. Dữ liệu và CCCD chính là "chìa khóa" để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát triển những dịch vụ công trực tuyến, xây dựng được "bức tranh" tổng thể bố trí đối với biên chế từ truyền thống sang công nghệ, hoạch định và phát triển chính sách mang tầm vĩ mô, xuyên suốt.
Đầu tư hạ tầng là điểm then chốt
Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Bộ Công an cũng tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, xác thực và làm sạch dữ liệu. Đến thời điểm này, đã tiếp nhận hơn 106 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 3 nhà mạng và thông tin trùng khớp là gần 88 triệu yêu cầu.
Soi chiếu những kết quả của tỉnh Hà Nam trong độ "phủ" CCCD gắn chip để thấy rằng, vẫn còn khá nhiều đơn vị, địa phương chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đánh giá của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháng 4 cho thấy, hiện vẫn còn một số sở, ngành địa phương chưa quyết liệt theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa quyết liệt, làm hết trách nhiệm cũng như phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của người đứng đầu. Điển hình như tỉnh Bình Phước có 12 sở, ngành, quận, huyện không báo cáo kết quả về cơ quan thường trực Công an tỉnh. Một số địa phương chưa quan tâm, bám sát vào các văn bản hướng dẫn của cơ quan thường trực, vẫn báo cáo khó khăn, vướng mắc trong khi đã được hướng dẫn tháo gỡ, thực hiện. Hay như qua tìm hiểu, hiện nay tại tỉnh Quảng Nam, hầu hết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng, xin việc làm… đều yêu cầu công dân phải xác nhận thông tin cư trú, gây khó khăn, phiền hà cho công dân và áp lực cho Công an xã.
Bên cạnh những tồn tại trên, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cũng chỉ rõ các yêu cầu về đầu tư hạ tầng, phần mềm, trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số, công dân số, xã hội số, Chính phủ số. Cụ thể, có 24 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đầu tư, triển khai hệ thống. 3 đơn vị thuê hạ tầng của doanh nghiệp. Hiện có 43/63 địa phương thuê doanh nghiệp triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Phần lớn các địa phương thuê dịch vụ của các nhà cung cấp lớn. có 20/63 địa phương tự đầu tư thiết bị, hạ tầng triển khai hệ thống. Đa số bộ phận một cửa các cấp chưa đáp ứng về trang thiết bị, nhất là các thiết bị phục vụ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phải nhanh chóng triển khai giải quyết những vướng mắc trên mới có thể đáp ứng được yêu cầu liên thông, trực tuyến phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Công an đã ký kết quy chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Đề án 06. Trong phát biểu ngày 24/4 tại buổi ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã khẳng định và tin tưởng với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, ngành Công an sẽ góp phần hỗ trợ để ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tiện ích hơn, an toàn hơn với việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ, nền tảng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử.
Tiếp đó, ngày 28/4, Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp thực hiện Đề án 06 với tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ và 24 mô hình. Đại tá Vũ Văn Tấn cũng khẳng định, những kết quả khi thực hiện Đề án 06 là rất to lớn. Khi hoàn thành các mục tiêu của Đề án sẽ góp phần tăng trưởng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP cho quốc gia. Dẫu vậy, có 4 nhóm vấn đề là điểm nghẽn, nguy cơ và 1 trong số đó chính là yếu tố hạ tầng công nghệ, dịch vụ công. Chỉ khi đầu tư, phát triển các nhóm vấn đề trên mới phát huy hiệu quả nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, xây dựng được "công dân số", xã hội số…
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy
Nguồn tin: Báo CAND
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...