Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan này đang đánh giá các kết quả đã thực hiện trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại Bộ và xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2024, đồng thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.
Theo báo cáo tình hình triển khai Đề án 06 của Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2023, Bộ đã cơ bản hoàn thiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được Chính phủ giao thực hiện.
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu đã có hơn 3,7 triệu đối tượng, trong số đó có gần 3,3 triệu đối tượng đang hưởng đã được cấp định danh cá nhân/căn cước công dân và gần 2,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng đã được xác thực thành công qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Riêng công tác người có công, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Bộ Công an nhập dữ liệu khoảng 850 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đối với cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ dữ liệu của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và quản lý dữ liệu của khoảng 1,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo (tương đương 7,5 triệu người) và đã xác minh, bổ sung căn cước công dân hoặc mã định danh cho hơn 5,5 triệu người thuộc các hộ nêu trên. Đặc biệt, kể từ tháng 9/2023, cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo chính thức được thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong công tác triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng, kể từ đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 8 văn bản nhằm hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới 63 tỉnh, thành phố và một hội nghị quán triệt, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tính đến nay, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành Lao động quản lý tại các tỉnh, thành phố là hơn 5 triệu người; trong đó, tổng số đối tượng đã thực hiện rà soát là hơn 4,7 triệu người. Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là trên 1,8 triệu người, tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là gần 1,1 triệu người. Tổng kinh phí đã chi trả từ tháng 1/2023 đến nay là gần 3,5 nghìn tỷ đồng.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực Bảo trợ xã hội, theo thống kê, kết quả ghi nhận đến thời điểm hiện tại có hơn 108 nghìn hồ sơ sử dụng phần mềm dịch vụ công bảo trợ xã hội trên toàn quốc; thực hiện liên thông khai tử - hỗ trợ chi phí mai táng hơn 40 nghìn hồ sơ. Năm 2023, Bộ đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai phần mềm hỗ trợ giải quyết mai táng phí khi người có công từ trần, tính đến nay hệ thống đã tiếp nhận hơn 11 nghìn hồ sơ đề nghị trợ cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, trong triển khai Đề án 06, năm 2024 vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như: khẩn trương cập nhật, hoàn thiện các trường thông tin thuộc cơ sở dữ liệu về người có công và cơ sở dữ liệu về bảo trợ xã hội; đồng bộ triển khai các hoạt động liên quan tới hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp…
Vì vậy, công tác triển khai Đề án 06 của Bộ cần bám sát lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể; tích cực, chủ động triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ được giao đối với các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được Chính phủ giao Bộ thực hiện trong năm 2024.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo chỉ đạo của Chính phủ; nâng cấp phần mềm, triển khai hướng dẫn số hóa hồ sơ thủ tục hành chính để xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ và thực hiện kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai, Trung tâm Công nghệ thông tin với vai trò là đầu mối chuyển đổi số của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị thuộc Bộ thống nhất phương án tháo gỡ các vấn đề khó khăn.
Nguồn tin: Báo điện tử VTV::
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...