Chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) tháng 10/2023. Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Trung tâm chỉ huy Bộ Công an, trực tuyến đến Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” chính là công cụ và điều kiện đặc biệt quan trọng để người dân thực hiện Đề án 06, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Kết quả này có tác động rất lớn, người dân càng tham gia nhiều thì dữ liệu càng được tạo lập nhiều hơn. Những biến động về dữ liệu sẽ được tạo lập, bồi đắp trở lại để phục vụ hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Lực lượng Công an các cấp phải là đòn bẩy, tạo ra công cụ, niềm cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, các đơn vị chức năng triển khai Đề án 06, tham gia ngày càng mạnh mẽ vào các dịch vụ công trực tuyến. Muốn như vậy, bản thân Công an từng cấp phải chủ động trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tạo ra những mô hình triển khai phù hợp, hiệu quả với đặc thù của từng đơn vị, địa bàn.
Ở mỗi nhóm nội dung, chuyên đề, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chọn lấy 3 đơn vị ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam báo cáo để rút kinh nghiệm cũng như chỉ ra những kinh nghiệm, bài học quý trong giải quyết những nội dung trên để nhân rộng ra các địa phương.
Bám sát những chỉ đạo và định hướng nội dung của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã báo cáo sơ bộ về tình hình, kết quả, nguyên nhân, đề xuất giải pháp trên từng nội dung, chuyên đề. Lần lượt các đơn vị gồm Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo kinh nghiệm trong tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND trong việc triển khai thu phí không đồng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, triển khai Đề án 06 tại cộng đồng.
Công an tỉnh Lào Cai triển khai camera AI kiểm soát ra vào ở các cửa khẩu tạo nên “cửa khẩu số”, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, tạo thuận lợi phục vụ doanh nghiệp, người dân; Công an tỉnh Tây Ninh đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” về dữ liệu; Công an tỉnh An Giang tham luận về quản lý di biến động dân cư; Công an tỉnh Thái Bình báo cáo về quản lý việc đăng nhập hệ thống của Trưởng Công an cấp xã; Công an tỉnh Kon Tum về công tác quản lý địa bàn...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương những kết quả Công an các địa phương đã triển khai theo 3 nhóm chuyên đề; những kết quả này được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân đánh giá cao, tin tưởng.
Đánh giá, dự báo tình hình tội phạm ở từng thời kỳ, giai đoạn và thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, sau dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo những phương án, kế hoạch rất sát sao, ứng dụng mạnh mẽ dữ liệu, tăng cường quản lý địa bàn, dân cư, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, đấu tranh, trấn áp, giải quyết những tụ điểm, băng, ổ nhóm tội phạm...
Số lượng những vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được lực lượng Công an cấp xã kịp thời nắm bắt, giải quyết thành công, không để xảy ra vụ án ngày càng nhiều… Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng gợi mở và chỉ đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cần sơ kết từng chuyên đề để chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân, kinh nghiệm và bài học.
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn, quyết liệt của lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương khi tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu lãnh đạo từng cấp, đơn vị, theo tình hình, nội dung và vướng mắc của đơn vị mình đang gặp phải để tập trung giải quyết.
Lấy ví dụ của Công an thành phố Hà Nội trong tham mưu, đề xuất HĐND, UBND thành phố thu phí không đồng đối với người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, phải có sự trăn trở mới tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả để thực hiện.
Nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo Công an các cấp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cần tập trung nghiên cứu, kéo "đoàn tàu" Cảnh sát QLHC về TTXH tiến nhanh, mạnh, chắc chắn và hiệu quả hơn nữa trong triển khai Đề án 06; phát huy vai trò “bà đỡ”, thường trực của Công an các cấp trong triển khai Đề án 06 và chuyển trạng thái hoạt động hiệu quả.
Chỉ ra những thực trạng liên quan đến các hoạt động của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ các nguyên lý cơ bản trong triển khai Đề án 06 ở từng địa phương. Muốn triển khai hiệu quả, lãnh đạo Công an từng cấp ở địa phương phải nghiên cứu kỹ, vận dụng để thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ được giao trong đề án.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị Công an ở cả 4 cấp tiếp tục rà soát lại 9 nội dung đã được Cục Cảnh sát QLHC về TTXH ban hành; từ hướng dẫn chung của Cục, Công an tỉnh, huyện và xã phải có những kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình địa bàn nơi mình đang quản lý. Phải tăng cường tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của Công an từng cấp.
Đề cập đến công tác tham mưu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, chúng ta liên tục chỉ ra những nguy cơ, hiện trạng để tháo gỡ từng nhóm nguy cơ một. Ở từng cấp lãnh đạo đều phải chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu hiệu quả. Lấy ví dụ về việc triển khai sổ sức khỏe điện tử tại thành phố Hà Nội và 2 dịch vụ công liên thông, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi và gợi mở những giải pháp giúp Công an các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả từng nội dung trên để phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố thống kê về nguồn nhân lực, bổ sung lực lượng cho Công an cấp xã, đặc biệt là những xã trọng điểm, địa bàn có yêu cầu cao về các mặt công tác Công an. Chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an các cấp, nhất là Công an xã, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố cùng với việc đôn đốc Công an xã tăng cường hiệu quả công việc cũng phải có những hình thức sự động viên, khen thưởng xứng đáng, tạo điều kiện cho lực lượng Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguồn tin: Báo CAND:
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...