Kỳ 1: Vững chắc những thành tựu nền tảng
Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ngày 6/1/2021 được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại.
Qua 1 năm triển khai Đề án 06, Ủy Ban Chuyển đổi số Quốc gia đi vào hoạt động, nhiều thành tựu vững chắc đã được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng.
Chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu dùng chung
Đánh giá về Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã khẳng định: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về 3 đột phá chiến lược, trong đó, việc thực hiện Đề án 06 phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, cụ thể: Phát triển hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Với phương châm, mọi đổi mới, phát triển, cải cách đều phải hướng đến người dân, người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển.
Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 6/1 thì chỉ sau hơn 2 tuần, ngày 18/1, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án đã được Chính phủ tổ chức dưới sự chủ trì, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm triển khai Đề án 06 rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2022, tuy nhiên, với những chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải một thông điệp và không khí làm việc trách nhiệm và khẩn trương đến các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện đề án cũng như các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Và trong suốt 1 năm qua, người đứng đầu Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt đến các thành viên, tổ công tác, ban chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện Đề án 06 với một tinh thần “truyền lửa”, lan tỏa cảm hứng.
Cũng trong thời gian này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã liên tiếp chủ trì 3 buổi làm việc với cơ quan thường trực Đề án (Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ) và các bộ, ngành liên quan để đôn đốc, chỉ đạo, đánh giá, rà soát công việc. Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ với vai trò thường trực Tổ Công tác để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án. Trong khoảng thời gian ngắn, tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương đã thành lập tổ công tác, kế hoạch thực hiện đề án xuống tới tận cấp cơ sở.
Tại diễn đàn Quốc hội đầu tháng 11/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chuyển đối số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội.
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước hết cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển. Đề án 06 là đề án trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, cho ngành Công an, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị.
Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển nhưng muốn làm được phải thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu. Do đó, người đứng đầu cần ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.
Đề án 06 ra đời vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi người dân, doanh nghiệp
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh: Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là: (1) Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; (2) Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.
“Đề án 06 ra đời vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là câu chuyện không thể không làm, nếu chúng ta không chủ động, quyết liệt thực hiện nhanh chóng, hiệu quả thì sẽ vuột đi mất những cơ hội hội nhập, phát triển toàn diện với thế giới...”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Với vai trò thường trực, nòng cốt, tiên phong, chủ trì, Bộ Công an đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an. Từng phần việc, nhiệm vụ cụ thể trong các năm được Ban chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, đặt ra lộ trình về thời gian, tiến độ hoàn thành cụ thể cho từng lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công an đề ra kế hoạch hoạt động với 7 lĩnh vực công tác gồm 32 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác triển khai Đề án 06 và Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022, Ban Chỉ đạo xác định 12 nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đến nay, các đơn vị đã tập trung thực hiện hoàn thành 6/12 nhiệm vụ.
Những kết quả trên đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hiệu quả giải quyết dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm thực hiện định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm căn cứ, cơ sở pháp lý để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin do các cơ quan, đơn vị được giao quản lý phục vụ phát triển KT-XH, phát triển và xây dựng hệ sinh thái phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.
Nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, tiện ích, thiết bị điện tử, phần cứng chuyên dụng để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng quy định pháp luật, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tính tới thời điểm này, Bộ Công an và các bộ, ban, ngành địa phương đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, 34 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên. Đối với 188 nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Thông báo của Chính phủ, Tổ Công tác của Chính phủ, đến nay đã hoàn thành 57 nhiệm vụ, 65 nhiệm vụ đang triển khai.
Các bộ, ngành đã triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, trong đó, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đã tổ chức triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông tại Hà Nội và Hà Nam từ 21/11/2022.
Tính đến 14/12/2022, có 154.142.498 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 56.679.044 hồ sơ so với tháng 1/2022, thời điểm chưa triển khai Đề án 06); một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như (Xác nhận chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 90,8%; đăng ký thi online 93,1%....).
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến đối với dịch vụ công “Xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2022”, trong đó hệ thống thanh toán trực tuyến cho thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đạt tỷ lệ thanh toán trên 97% số nguyện vọng.
Những kết quả trên đã góp phần tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…; tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh cần sử dụng dữ liệu của các bộ ngành để xác thực; cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”; tạo thói quen cho người dân về thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà.
Riêng đối với việc đăng ký thi trực tuyến, đã tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng kinh phí từ việc mua hồ sơ, ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm để nộp hồ sơ; đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tắc đường, nguồn lực tiết kiệm được từ những kết quả trên rất lớn.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, đã cấp trên 76.570.798 thẻ căn cước công dân (CCCD) cho công dân (tăng 9.570.798 thẻ so với 6 tháng đầu năm 2022).
Đến ngày 4/12/2022, có 11.949/13.053 cơ sở y tế sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh (đạt tỷ lệ 91,6%). Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Đến ngày 14/12/2022, hệ thống đã thu nhận 17.891.220 hồ sơ (tăng 11.731.482 hồ sơ so với 6 tháng đầu năm 2022); phê duyệt 16.002.595 tài khoản định danh điện tử cho công dân (tăng 15.994.758 tài khoản so với 6 tháng đầu năm 2022); trong đó, có 2.499.498 tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt.
Kết quả trên đã giúp người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng; giúp các cơ sở giáo dục sử dụng thiết bị xác minh di động đọc thẻ CCCD gắn chip để chống gian lận thi cử; giúp kiểm soát an ninh hàng không tự động qua thẻ CCCD gắn chip.
Đặc biệt là giúp xác thực thông tin qua đọc thông tin chip, Qrcode trên CCCD để giải quyết vấn đề sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử giúp khắc phục tình trạng không có sim chính chủ, không phải khai lại thông tin khi thực hiện dịch vụ công; tích hợp ví điện tử trên ứng dụng VNEID, mở tài khoản ngân hàng...
Về nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Trung tâm Thông Tin Tín Dụng - CIC) làm sạch 2 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư cho BIDV, PVCOMBANK, MBBANK để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
Tại Thái Nguyên đã tổ chức đối sánh dữ liệu an sinh xã hội (kết quả đối sánh có dữ liệu 201.684 công dân/359.861 yêu cầu đã gửi, đạt tỷ lệ 56,05%); thí điểm sử dụng tài khoản thanh toán, chi trả không dùng tiền mặt (qua Viettel Money, VNPT Money, Ngân hàng Vietinbank) cho các đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội tại địa bàn tỉnh (thí điểm tại các huyện Đại Từ, Võ Nhai và TP. Phổ Yên).
Kết quả, Bộ Công an được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 17 về thành tích đặc biết xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những sản phẩm, dịch vụ, cải cách hành chính từ “câu chuyện” chuyển đổi số của Đề án 06.
Nguồn tin: Hoàng Phong
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...