Quy trình thu thập mống mắt, giọng nói, ADN trong cơ sở dữ liệu căn cước

Thứ năm - 27/06/2024 20:42
Việc thu thập thông tin, đặc điểm nhân dạng như vân tay, ảnh khuôn mặt, mống mắt, ADN trong cơ sở dữ liệu căn cước được Chính phủ quy định tại Nghị định 70/2024.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023, nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.

Ngoài những điểm mới đáng lưu ý như sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; thủ tục cấp thẻ căn cước không cần có nơi đăng ký cư trú thì Nghị định 70 quy định việc thu thập, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu (CSDL) căn cước, đặc biệt là thu thập thông tin sinh trắc về mống mắt, ADN…

Cách thu thập thông tin ra sao?

Tại Điều 13 Nghị định 70 có quy định về việc thu thập, cập nhật thông tin trong CSDL căn cước.

Cụ thể, việc thu thập, cập nhật thông tin đặc điểm nhân dạng, sinh trắc học về vân tay, ảnh khuôn mặt, mống mắt được thu thập, cập nhật khi thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân.

Ngoài ra, khi công dân có đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói sẽ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia.

Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói được thu thập vào CSDL căn cước phải đáp ứng điều kiện sau:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an hướng dẫn.

 Cơ quan công an đang thu thập vân tay để làm giấy tờ tùy thân cho người dân. Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp

Cơ quan công an đang thu thập vân tay để làm giấy tờ tùy thân cho người dân. Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp

Thứ hai, thông tin tạo lập phải bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong CSDL căn cước.

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý y tế và các cơ quan có liên quan thực hiện công bố công khai danh sách cơ quan, tổ chức đáp ứng điều kiện quy định và thực hiện tiếp nhận thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói theo quy định thông qua nền tảng định danh và xác thực điện tử hoặc qua thiết bị chuyên dụng để chuyển dữ liệu tiếp nhận về CSDL căn cước (cơ quan, tổ chức).

Về trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào CSDL về căn cước thực hiện như sau:

Công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào CSDL căn cước đến cơ quan quản lý căn cước. Hồ sơ đề nghị gồm có phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin sinh trắc học về ADN của cơ quan, tổ chức (nếu có).

Đối với trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thì trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào CSDL căn cước.

Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thì cơ quan quản lý căn cước thông báo cho công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn công dân thực hiện thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức.

Đối với trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào CSDL về căn cước thực hiện như sau: Công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào CSDL căn cước đến cơ quan quản lý căn cước.

Hồ sơ đề nghị gồm: Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả thu nhận, phân tích, lưu trữ giọng nói của cơ quan, tổ chức (nếu có); văn bản cam kết bảo đảm sức khỏe bình thường, không ảnh hưởng đến giọng nói đối với trường hợp quy định…

Ai được khai thác thông tin?

Tại Điều 17 Nghị định 70 quy định đối tượng, phương thức khai thác thông tin của công dân trong CSDL căn cước.

Các trường hợp được khai thác thông tin về công dân trong CSDL căn cước:

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cơ quan điều tra, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL căn cước.

Ngoài ra, những người không phải là tổ chức, cá nhân nêu trên chỉ được khai thác thông tin cá nhân trong CSDL căn cước để phục vụ hoạt động xác thực điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số khi được công dân đó đồng ý.

Những trường hợp bị giữ thẻ và trả lại thẻ căn cước

Người sẽ bị giữ thẻ căn cước nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

Những người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù phải xuất trình và giao nộp thẻ căn cước cho cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam.

Những người đang bị cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý (trừ trường hợp người đó không có thẻ căn cước).

Về trình tự, thủ tục giữ, trả lại thẻ căn cước: Cơ quan có thẩm quyền giữ thẻ căn cước khi giữ, trả lại thẻ căn cước phải lập sổ sách theo dõi về việc giữ, trả lại thẻ căn cước và có chữ ký xác nhận của người giữ và người bị giữ thẻ.

Cơ quan có thẩm quyền giữ thẻ căn cước có trách nhiệm thông báo việc giữ, trả lại thẻ căn cước cho cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an để thực hiện việc khóa, mở khóa căn cước điện tử theo quy định.

Điều 23 Nghị định 70/2024

 

Tác giả: BÁO MỚI

Nguồn tin: baomoi.com

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,815
  • Tháng hiện tại576,973
  • Tổng lượt truy cập6,210,670
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây