Chiều 28/3, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả tháng 3 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cùng các thành viên trong tổ công tác, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, có 224 dịch vụ công đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người dân. Hiện 99% thông tin cư dân đã được thu thập và có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, quan trọng, góp phần đưa ra những chỉ tiêu số phục vụ cho quản lý, điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội….
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện có khoảng gần 3 triệu người nằm trong diện cấp CCCD gắn chip. Công việc này trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Công an đã liên tục phát động các chiến dịch phục vụ việc cấp CCCD gắn chip phục vụ nhân dân. Hiện có 6 xã, phường trên cả nước hoàn thành việc cấp 100% CCCD gắn chip. Nhiều người dân đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương nhưng vẫn được Công an cơ sở tại nơi đang cư trú hoặc Công an ở quê nhà hỗ trợ, phục vụ việc cấp CCCD gắn chip.
“Trên thực tế có nhiều người dân không có nhu cầu giao dịch nhiều, hoặc có trường hợp ở vùng sâu, vùng xa còn chưa từng ra khỏi bản, khỏi thôn. Nhiều trường hợp trong gia đình có người thân qua đời nhưng cũng không thông báo, không cần cấp giấy chứng tử. Tuy nhiên, lực lượng Công an xã trong thời gian qua vẫn tiếp tục trèo đèo, lội suối đến tận nhà dân để phục vụ cấp CCCD. Khẩu hiệu của Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, vậy muốn biết “không ai - đó là ai” thì cần phải thông qua công tác quản lý, cấp CCCD…”- Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá.
“Qua phiên họp ngày hôm nay, chúng tôi rất muốn nghe các bộ, ngành thẳng thắn đánh giá những nguyên nhân và từ đó đề ra giải pháp đối với những phần việc chưa hoàn thành”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Sau khi báo cáo kết quả và những nguy cơ chậm, muộn trong thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và thời gian tiếp theo, định hướng thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 đánh giá: Chúng ta đã cùng thống nhất 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Những nhiệm vụ của tháng 2 đã chậm, đẩy sang tháng 3, nguy cơ chậm sang tháng 4 và nếu tháng 4 không giải quyết dứt điểm sẽ dẫn đến nguy cơ bị “đứt, gẫy” chuỗi liên thông sau đó.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin, hiện chúng ta đang thực hiện 2 dịch vụ công. Những kết quả, nhiệm vụ chúng ta đã thực hiện được trong năm 2022 cần phải được tiếp tục triển khai tốt hơn. Lấy ví dụ trong việc ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư trong đăng ký, dự thi đại học của năm 2022, đã tiết kiệm trên 50 tỷ đồng, cùng với rất nhiều tiện ích, văn minh phục vụ thí sinh, người dân; Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá “năm ngoái không có trường hợp thí sinh, người nhà thí sinh nào bị tai nạn do đi nộp hồ sơ dự thi” và đặt câu hỏi: Các bộ, ngành tiếp tục tạo lập dữ liệu để tạo ra giá trị mới như thế nào? Đồng chí Thứ trưởng mong muốn các đại biểu chỉ thẳng vào những tồn tại, phần việc cần chỉ đạo, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Các đường truyền hiện nay thấp, giá cao. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, tăng tốc độ đường truyền lên 3 lần và giảm giá đối với những dịch vụ có liên quan. Đường truyền từ tuyến huyện về tuyến tỉnh cũng đang được nghiên cứu, bổ sung.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin, đơn vị cùng với các bộ, ngành có liên quan thành lập các tổ đi khảo sát, kiểm tra thực trạng, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, đã phát hiện ra nhiều vấn đề và có giải pháp ngay. Đáng chú ý, có 2 vấn đề lớn là gần 70% các hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương xuống cấp và đối với các địa phương, có tới 80% dịch vụ công kiểu này liên quan đến Bộ Tư pháp. Những vướng mắc, tồn tại này cần phải được khắp phục sớm. Để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin những tiến độ thực hiện của Bộ Thông tin và Truyền thông và những giải pháp hộ trợ các đơn vị liên quan.
Đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp cho xã hội dữ liệu, thông tin “đúng, đủ, sạch, sống” nhất, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chỉ đạo các nhà mạng giải quyết việc đồng bộ hóa dữ liệu sim điện thoại theo mốc 31/3 đã đặt ra. Hiện vẫn còn những xã, thôn chưa được phủ sóng điện thoại, internet, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chỉ đạo hoàn thành những văn bản pháp lý có liên quan trong đó có VNEID, bởi đây là “điểm tựa” để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin những phần việc hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong Đề án 06; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các kỳ thi.
Trao đổi với đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin: Sau cuộc họp của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 với UBND TP Hà Nội, Hà Nội báo cáo có 61 khó khăn và đề xuất với đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng như các bộ, ngành giải quyết. Cùng với đó, trách nhiệm của các đồng chí Tổ phó Thường trực của 4 cấp tại các địa phương cũng được làm rõ và rất nhanh chóng sau đó, các địa phương chuyển biến mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu các bộ, ngành phải chuyển mình nhanh hơn mới phục vụ, theo kịp yêu cầu thực tế của người dân. “Con tàu chuyển đổi số đã chạy, tăng tốc, các bộ, ngành phải “tiếp sức” vào đó với “nguyên liệu” bằng chính sự quyết tâm, chủ động của mình trong rà soát, triển khai hiệu quả, đúng lộ trình những nhiệm vụ đã được Chính phủ giao”- đồng chí Thứ trưởng đánh giá.
Cùng với đó, tại phiên làm việc, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tài Nguyên môi trường, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án, Viện Kiếm sát… cũng báo cáo các phần việc, nhiệm vụ đơn vị được giao phải hoàn thiện theo lộ trình Thủ tướng đã giao; công tác kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ những công việc của bộ, ngành được giao...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành khẩn trương có văn bản hướng dẫn 61 khó khăn, vướng mắc và 19 kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội, hoàn thành xong trước 31/3/2023. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là những vấn đề mà các địa phương gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên tổ công tác thuộc Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc 13 bộ, ngành còn lại khẩn trương báo cáo kết quả rà soát, đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để chuyển đổi quy trình, phương thức thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ trực tiếp sang môi trường điện tử; đôn đốc 17 bộ, ngành rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, hoàn thành việc rà soát trước 31/3/2023. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đề xuất sửa đổi để có căn cứ pháp lý triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
“Các đồng chí thành viên Tổ công tác khẩn trương rà soát, sửa đổi 48 Thông tư, Quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú thuộc trách nhiệm của đơn vị mình. Công bố công khai các thủ tục hành chính có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú, làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Để khẩn trương hoàn thành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự rút gọn, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị: Chúng ta đã có kinh nghiệm trong xây dựng Nghị định 104/2022NĐ-CP, ngày 21/12/2022 về sửa đổi, bổ sung 19 Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tôi đề nghị đồng chí thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Nghị định, phân công các thành viên triển khai, chúng ta phấn đấu trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2023.
Đối với 2 thủ tục hành chính liên thông “đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí”, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quy trình; hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm, làm cơ sở để sơ kết, đánh giá kết quả trước khi triển khai nhân rộng trên toàn quốc.
“Chúng ta phấn đấu triển khai nhiệm vụ này trong tháng 4/2023, đồng thời, để hoàn thiện các điều kiện liên quan, tôi đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tư pháp khẩn trương chỉ đạo hoàn thành nâng cấp hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, hoàn thiện chức năng cấp giấy khai sinh điện tử, trích lục khai tử điện tử để đồng bộ lên phần mềm dịch vụ công liên thông, hoàn thành trước 31/3/2023”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Để phục vụ mục tiêu trên, Bộ trưởng Tô Lâm giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Tổ công tác của các bộ, ngành phải hoàn thành những phần việc, nhiệm vụ đã được phân công. Ví dụ như Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc các cơ sở y tế trên toàn quốc đẩy nhanh tiến độ chuyển dữ liệu về Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử thông qua hạ tầng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kết nối với hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông; hay như Bảo hiểm xã hội đẩy nhanh tiến độ tập hợp cơ sở dữ liệu người có công để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, phấn đấu để người dân không phải cung cấp bản quyết định giấy về người có công để thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng. Tập trung áp dụng xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động, phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
“Tôi biểu dương thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tài chính đã tích cực triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, đã có 10.076 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng với 1,7 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chống thất thu thuế, thất thu ngân sách với số tiền 49,7 tỷ đồng. Tôi đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đối với các ngành, lĩnh vực khác như: nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí để đẩy mạnh chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, tăng cường tuyên truyền để người dân biết”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai chi trả qua tài khoản cho 100% các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money...) từ ngân sách Nhà nước, thực hiện thường xuyên, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương đẩy mạnh việc cấp CCCD gắn chip cho số công dân sinh từ năm 2004 -2008; đang tập trung hoàn thành việc cấp CCCD cho 257.762 trường hợp thường trú có mặt tại địa bàn chưa được cấp CCCD. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong quá trình thu nhận hồ sơ để hoàn thành, cấp đủ CCCD cho các cháu học sinh, phục vụ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT quốc gia và phải hoàn thành xong trong tháng 4/2023.
Đối với những nhóm nhiệm vụ về hạ tầng, đảm bảo an ninh, an toàn, Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý các bộ, ngành phải bám sát theo hướng dẫn 1552, ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Để thúc đẩy tiến độ kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành đang chậm tiến độ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ báo cáo đề xuất Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các đơn vị có liên quan trong đầu tháng 4/2023 để chỉ đạo, hoàn thiện dữ liệu, hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Thông tin và Truyền thông có lộ trình rà soát, đề xuất sửa đổi các Thông tư, văn bản có liên quan, thống nhất sử dụng định danh điện tử VNeID để làm sạch dữ liệu và tạo lập tài khoản mới đối với thông tin thuê bao di động.
Cùng với việc đảm bảo nguồn lực triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành những nhiệm vụ có liên quan đến phần việc được giao với thời gian, lộ trình cụ thể.
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy
Nguồn tin: cand.com.vn: