Luật Công an nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Công an nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng Công an nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ANTT của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi luật, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 Điều, quy định về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan có thành tích đặc biệt xuất sắc; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND; hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an... Hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân đối với hạ sĩ quan là 47 tuổi; cấp úy là 55 tuổi; Thiếu tá, Trung tá đối với nam là 57 tuổi, nữ là 55 tuổi; Thượng tá đối với nam là 60 tuổi, nữ là 58 tuổi; Đại tá đối với nam là 62 tuổi, đối với nữ là 60 tuổi… Đối với sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân Công an đối với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động; công nhân Công an được áp dụng chế độ, chính sách như đối với Công nhân quốc phòng.
Các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật
Về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc, Luật chỉ quy định về nguyên tắc tiêu chí, điều kiện và giao Chính phủ quy định; đồng thời, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định như sau: “Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc từ Đại tá trở xuống”.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân cũng sửa đổi quy định số lượng Thượng tướng trong Công an nhân dân không quá 7 người, bao gồm Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng không quá 6) và sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Là một trong những dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, thảo luận, xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật cũng như các nội dung của dự thảo luật. Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an nhân dân; bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với những nỗ lực của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cải cách hành chính… Cần thiết có những chính sách mới thể hiện sự quan tâm, khích lệ, để các các cán bộ, chiến sĩ Công an, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trong công tác, chiến đấu, phục vụ nhân dân.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân xây dựng, ban hành nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị./.