Giờ đây các tài xế dường như đã quá quen thuộc với việc lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nam dừng xe, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bởi lẽ trong thời gian qua, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của lực lượng Cảnh sát giao thông, đến nay đa số người dân cơ bản đã chấp hành việc “đã uống rượu bia, không lái xe”. Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Huy Đạt, trú tại phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, Hà Nam – lái xe taxi cho biết: “Việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn của lực lượng Công an rất cần thiết bởi sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Là lái xe thường xuyên phải lưu thông trên đường, tôi rất đồng tình, ủng hộ và luôn chấp hành nghiêm. Điều này không chỉ vì sự an toàn của bản thân mình mà còn vì an toàn cho những người tham gia giao thông”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP. Phủ Lý kiểm tra, đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn
Thói quen “nâng ly”, sử dụng rượu bia, trong các buổi gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành tập tục từ lâu của người dân. Tuy nhiên trong những ngày Tết cổ truyền vừa qua, người dân đã nhận thức và nâng cao ý thức không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Điều này khẳng định việc kiên quyết xử lý nghiêm “ma men” tham gia giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông bước đầu đã tạo tác dụng răn đe, mang đến hiệu ứng tích cực, được người dân đồng tình, đánh giá cao, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Trưởng phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam về thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ”, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh đã giảm so với cùng kỳ. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên toàn tuyến gắn với lồng ghép phù hợp, kịp thời các hình thức thông tin, tuyên truyền là giải pháp quan trọng, hiệu quả trực tiếp làm giảm thiểu những hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; tình hình trật tư an toàn giao thông trên địa bàn được kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trên địa bàn không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, số vụ tai nạn giảm so với cùng kỳ năm 2023, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về tác hại của rượu, bia, tiến tới hình thành thói quen lành mạnh và nét đẹp văn hóa giao thông “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nam kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Bám sát chủ đề Năm an toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo đó, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tăng cường phương tiện, lực lượng tiến hành tuần tra khép kín, tuần tra lưu động vào các khung giờ cao điểm, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, trong đó chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục và là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ chủ động, tập trung thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, khảo sát, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn giao thông, phân tích kỹ nguyên nhân, đối tượng, khung thời gian thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đạt hiệu quả.
Với quyết tâm hình thành văn hóa “Đã uống rượu bia, không lái xe”, cùng sự nỗ lực, quyết liệt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của lực lượng chức năng thì việc tự giác nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không lái xe sau khi uống rượu, bia chính là một trong những hành động “Thượng tôn pháp luật” để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, qua đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính bản thân mình, gia đình và những người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn./.