Ý nghĩa nhân văn của chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Thứ sáu - 24/11/2023 04:57
Một trong những nội dung đáng chú ý, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận tại dự thảo Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam
     Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, là cơ quan chủ trì trong xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…).
Ý nghĩa nhân văn của chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam
     Theo dự án Luật Căn cước, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch. Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân… Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại dự án Luật là cần thiết và phù hợp. Để cụ thể hóa chính sách về mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước thì tại khoản 10 Điều 3 và Điều 5 dự thảo Luật Căn cước quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
     Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; giải quyết được các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam còn góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam (trong đó bao gồm cả những trẻ em là con của người gốc Việt Nam), những người yếu thế trong xã hội (phần nhiều người gốc Việt Nam là người di cư, dân tộc thiểu số, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…). Chính sách cấp giấy chứng nhân căn cước cho người gốc Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xuất phát từ quyền của người dân, xuất phát từ mong muốn của họ trong cộng đồng xã hội và xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ đảm bảo cho họ có cuộc sống an ninh, an toàn và có các quyền căn bản tham gia vào các dịch vụ của đời sống, xã hội; tham gia vào các chính sách của nhà nước; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
          Dự thảo Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực và thể hiện sự nhân văn sâu sắc, thể hiện Chính phủ và Nhà nước rất tôn trọng quyền con người khi cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, xác nhận họ sinh sống ở đâu, có quyền và nghĩa vụ gì. Chính sách pháp luật này bảo vệ quyền con người, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế./.

Tác giả: Vũ Thị Hồng Sâm

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay21,411
  • Tháng hiện tại497,441
  • Tổng lượt truy cập5,305,771
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây