Chuyển khẩu qua mạng

Thứ ba - 30/05/2023 08:43
Phạm Hùng Phong

Phạm Hùng Phong

Kỹ sư Công nghệ thông tin

Nhiều người chưa biết quy trình chuyển hộ khẩu được rút ngắn chỉ còn 7 ngày và làm hoàn toàn trên mạng.

Gia đình tôi hơn mười năm nay sinh sống ở TP HCM nhưng hộ khẩu thường trú vẫn ở Hà Nội. Đợt rồi, nhân đi làm căn cước công dân gắn chíp, tôi quyết định chuyển hộ khẩu để thống nhất thông tin giữa giấy chủ quyền nhà và địa chỉ trên căn cước. Lâu nay, tôi chần chừ bởi đã nhiều lần phải bay ra bay vào giữa TP HCM và Hà Nội để làm các loại giấy tờ. Mỗi lần đi lại, tôi ngại nhất là khâu gặp cảnh sát khu vực để "trình bày".

Bắt tay vào làm, tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Sau cuộc điện thoại ngắn với thiếu tá Thùy, cảnh sát khu vực nơi tôi đăng ký hộ khẩu, tôi liên tiếp nhận được các tin nhắn hỗ trợ để kịp thời làm căn cước công dân và đăng ký thường trú. Không những thế, cứ một hai ngày, tôi lại nhận được những lời chúc thân thương như "chúc gia đình một ngày nhiều niềm vui", "chúc anh tháng mới thành công". Tôi kể với bạn bè, nhiều người hoài nghi. "Anh cẩn thận kẻo tin nhắn lừa đảo. Chỉ môi giới bất động sản mới tận tình hỏi thăm thế", họ cảnh báo.

Theo hướng dẫn, tôi thực hiện một số bước đơn giản trên trang Cổng Dịch vụ công Bộ Công an với tài khoản xác thực tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Toàn bộ thao tác đăng ký chuyển khẩu mất gần ba phút với việc tải lên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và bản khai thay đổi thông tin cư trú. Về lý thuyết, hôm nay tôi có thể có đăng ký thường trú ở Hà Nội, ngày mai tôi có thể đăng ký ở TP HCM, miễn là cung cấp đủ giấy tờ hợp pháp.

Sau hai ngày, tôi nhận được điện thoại báo Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an đã ghi nhận nơi thường trú mới. Bước kế tiếp, khi các thành viên trong gia đình ra công an phường làm thẻ căn cước, thông tin này sẽ tự động được thể hiện, không còn cảnh ở một nơi, địa chỉ căn cước một nẻo.

Sau khi biết kết quả chuyển khẩu của tôi, nhóm bạn tranh nhau kể khổ về những phiền toái của họ trước đây. Có người ở Hà Nội vào TP HCM sinh sống phải làm hợp đồng thuê nhà với mẹ đẻ để được nhập hộ khẩu. Có người gần hai mươi năm sống ở TP HCM nhưng hộ khẩu vẫn ở Buôn Mê Thuột do bị dọa "cắt khẩu mà không nhập khẩu được ở thành phố" sẽ phải hát bài "tình bơ vơ". Chỉ trong một buổi sáng, bên chầu cà phê, tôi đã giúp năm người bạn đăng ký chuyển khẩu qua mạng. Họ cũng như tôi, không biết việc đăng ký chuyển khẩu đã trở nên đơn giản và tiện lợi hơn bao giờ hết nhờ ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Hệ thống hộ khẩu xưa cũ với các "bí số" KT1, KT2, KT3, KT4 được nhận định đã hạn chế quyền lợi, gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận dịch vụ công. Lúc trước, do không có hộ khẩu, để đăng ký biển số xe ôtô ở TP HCM, tôi phải nhờ người thân đứng tên giấy tờ xe. Ngoài sự phiền nhiễu gây ra cho người dân và các tổ chức, điều này còn dẫn tới việc thống kê và tổng hợp dữ liệu không chính xác. Với việc khai tử sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kể từ 1/1/2023, các địa phương đã bắt đầu hoàn thiện quy trình điện tử.

Song song với nỗ lực số hóa dịch vụ công, theo quan sát của tôi, động lực chính để việc cấp căn cước công dân thời gian qua trở nên thuận tiện hơn xuất phát từ nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Theo chỉ thị của chính phủ, trách nhiệm của người đứng đầu, của mỗi bộ ngành, địa phương trong việc rà soát và đảm bảo đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dân cư được cụ thể hóa. Ở cấp cơ sở, mỗi cá nhân cán bộ công an khu vực có chỉ tiêu hoàn thành công việc, tương tự chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc (KPI) tại các doanh nghiệp. Việc không đạt KPI sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi đua và lương thưởng, nhờ vậy mới có sự đổi mới trong công tác giao tiếp với người dân và sự chủ động hơn từ phía chính quyền trong việc quản lý.

Tuy nhiên, chưa phải mọi mặt của dịch vụ công đều đã được số hóa và đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư. Thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính được triển khai theo phương pháp thô sơ. Gần đây nhất, khi làm thủ tục bán tài sản, người nhà tôi vẫn bị yêu cầu xuất trình "giấy xác nhận tình trạng hôn nhân" bằng cách về phường xin xác nhận. Ở các nước phát triển, việc áp dụng quản lý thông tin điện tử, tự động hóa quy trình, xác thực điện tử và chữ ký số, tích hợp dữ liệu và chia sẻ thông tin được tận dụng triệt để nhằm giảm bớt việc đẩy trách nhiệm "chứng thực" về người dân. Quản lý số nếu được nhân rộng sang nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí và nguồn lực trong lĩnh vực hành chính công.

Tất nhiên, để nhảy tango cần có hai người. Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy số hóa, người dân cũng cần chủ động trang bị kỹ năng và sự hiểu biết về kỹ thuật số để sử dụng các dịch vụ điện tử hiệu quả. Chính phủ có thể đầu tư vào các chương trình giáo dục về kỹ thuật số nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho người dân, khắc phục khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Khuyến khích học tập suốt đời và phát triển kỹ năng liên tục là chìa khóa đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên số trong hoạt động kinh tế, xã hội.

Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy

Nguồn tin: vnexpress.net

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay26,548
  • Tháng hiện tại110,236
  • Tổng lượt truy cập4,918,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây