Tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, các sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Ngay sau khi Luật PCTN được thông qua ngày 20/11/2018 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật PCTN và hoàn thiện thể chế về PCTN. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt, thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về PCTN. Việc thực hiện Luật PCTN đạt được nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt công tác. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN được công khai theo quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Các cơ quan hành chính thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… Qua 5 năm thi hành Luật PCTN cho thấy, các quy định của luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới.
Để công tác PCTN, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể: Triển khai, tổ chức thực hiện tốt Chương trình công tác và văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTN, tiêu cực; các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trên các lĩnh vực; các quy định của Luật PCTN và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định. Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN…
Nguồn tin: Báo Hà Nam