Những biến tướng tinh vi
Trên cơ sở đấu tranh, triệt phá tội phạm “tín dụng đen” thời gian qua, có thể xác định các đối tượng đa phần từ các tỉnh khác đến địa bàn Bạc Liêu hoạt động với nhiều phương thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất là kiểu “ngân hàng cột điện”. Theo đó, các đối tượng dán tờ rơi quảng cáo tại các trụ điện, tường rào hoặc rải trên các tuyến đường nông thôn với những lời mời gọi ưu đãi hấp dẫn nhằm dụ dỗ người dân.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một số đối tượng hoạt động với quy mô lớn thông qua việc lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty cho vay tài chính để cho vay lãi nặng. Song, dù hoạt động theo phương thức nào, các đối tượng “tín dụng đen” đều có chung thủ đoạn đòi nợ người vay, đó là khi người vay không còn khả năng trả nợ sẽ bị chúng đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung để cưỡng đoạt tài sản.
“Tín dụng đen” được ví như “cướp ngày” bởi thường do các băng nhóm tội phạm, đối tượng hình sự cộm cán thực hiện. Các đối tượng giăng bẫy, đưa người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, trả mãi không hết nợ. Hậu quả của “tín dụng đen” làm phát sinh nhiều tội phạm có tính bạo lực, xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu gây bức xúc dư luận; là những chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội và báo chí thời gian qua. Để đòi được nợ, các đối tượng bất chấp thủ đoạn, dùng các cách thức manh động, côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác và trật tự công cộng như bị truy sát, bắt giữ, đánh đập, đập phá tài sản, hủy hoại phương tiện, thậm chí dồn ép nạn nhân đến mức đường cùng, phải bán tháo nhà, tài sản, bỏ đi biệt tích hoặc đe dọa, khủng bố, liên lụy, phiền nhiễu đến cả người thân, hàng xóm, đồng nghiệp.
Cụ thể như, khiêng bình gas, quan tài, rải giấy tiền, phát loa nhạc đám ma, treo đầu động vật, ném máu tươi, đủ các loại chất bẩn, chất thải, sơn... vào nhà, cơ sở kinh doanh, cơ quan, trường học để gây sức ép cho người thân. Không chỉ những người bị yếu thế, thu nhập thấp, cùng quẫn về tài chính trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, còn cả một số công chức nhà nước, con cái của các gia đình có điều kiện kinh tế cũng bị lôi kéo, dụ dỗ vay từ “tín dụng đen” từ vài chục triệu đồng nhưng phải gồng gánh trả nợ lên đến hàng tỷ đồng. Nạn nhân và những người liên lụy còn bị đe dọa đến mức không dám tố cáo với lực lượng Công an.
Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng khi người dân đến vay tiền thường là sẽ thỏa thuận miệng thông qua việc cung cấp bản photo giấy tờ tùy thân; lập hợp đồng vay “lách luật” không lãi suất bằng cách cộng cả gốc và lãi; hoặc cho vay dưới dạng chơi hụi trong thời gian ngắn. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường chia nhỏ các gói vay để thu lãi thấp tránh bị xử lý hình sự hoặc thu tiền gốc trước, sau khi người vay trả hết gốc thì tiếp tục thu lãi hoặc chuyển lãi thành tiền gốc”.
Thời gian gần đây, tội phạm “tín dụng đen” bắt đầu hoạt động với phương thức mới, đó là chuyển sang cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng online trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo. Khi người vay truy cập các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, chụp ảnh giấy tờ tùy thân. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, còn lại trừ lãi và phí dịch vụ. Chúng còn tinh vi khi liên kết hàng chục ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, khi thấy người vay không có khả năng chi trả, chúng sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để tiếp tục vay mới, dần dần người vay sẽ rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay tiền với mức lãi suất tăng lên theo bội số nhân.
Điển hình, ngày 3/6/2024, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên phạt 5 bị cáo: Nguyễn Minh Tùng (SN 1991, ngụ quận Lê Chân, TP Hải Phòng), Nguyễn Văn Khánh (SN 1989) và Hoàng Công Hậu (SN 1995, cùng ngụ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), Vi Văn Thọ (SN 1983) và Vi Văn Vinh (SN 1995, cùng ngụ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) với tổng mức án hơn 7 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo cáo trạng, sau khi cùng gia đình từ Hải Phòng vào tỉnh Bạc Liêu sinh sống, Tùng liên hệ với Khánh, Hậu, Thọ, Vinh lập đường dây cho vay lãi nặng bằng hình thức “tín dụng đen”. Các đối tượng lập 3 tài khoản trên internet để quản lý, theo dõi mọi hoạt động cho vay, thu lãi. Từ tháng 12/2022 đến tháng 9/2023, các đối tượng cho 77 người dân trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng vay tiền với lãi suất từ 300-900%/năm, qua đó thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng.
Về nguyên nhân tội phạm “tín dụng đen” có biến tướng phức tạp, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn vay nhanh, ngắn hạn, các đối tượng đã nảy sinh hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính với lãi suất rất cao. Mà đa phần người tìm đến “tín dụng đen” thường không có công việc ổn định, có nhu cầu cấp bách sử dụng về tiền vào việc đột xuất hoặc cá biệt là các đối tượng cờ bạc, ma túy”.
Quyết liệt đấu tranh, phòng ngừa
Với những biến tướng ngày càng tinh vi của tội phạm “tín dụng đen”, không chỉ là nỗi ám ảnh của chính người vay, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực như: giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”, nhất là vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao như dịp cuối năm, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” để người dân nâng cao cảnh giác. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, về chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động vay vốn.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ trong việc xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản.
“Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường nắm tình hình, rà soát các đối tượng, băng nhóm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê từ các địa phương khác đến hoạt động; các hành vi huy động vốn với lãi suất cao dưới hình thức chơi hụi, huy động tài chính dưới hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo... Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, quyết tâm không để tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trên địa bàn”, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo chia sẻ thêm.
“Dễ vay, khó thoát” là thực trạng chung khi rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong đấu tranh, xử lý tội phạm và công tác phòng ngừa xã hội của các cấp, các ngành trong giải quyết ổn định dân sinh, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn chính sách, vấn đề cốt lõi vẫn là bản thân mỗi người dân, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng để không trở thành “con mồi” tiếp theo của các đường dây cho vay lãi nặng.
Nguồn tin: cand.com.vn
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...