Ban Bí thư: Quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thứ sáu - 07/07/2023 07:16
Ngày 6/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. Cùng dự có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan của Quốc hội; Chính phủ; các thành viên Uỷ ban ATGT Quốc gia; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải.... Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an 44 Yết Kiêu đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 35 nghìn đại biểu. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ. Cùng dự có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; Đại tá Kiều Hữu Tuyển, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Thường trực các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh.
IMG 7259
Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; Đại tá Kiều Hữu Tuyển, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, công tác bảo đảm  trật tự, an toàn giao thông  (TTATGT) là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh con người, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo đảm TTATGT. Năm 2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; năm 2012, ban hành Chỉ thị 18 và năm 2023 ban hành Chỉ thị số 23 để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
IMGP4970
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Hà Nam
Qua tổng kết đánh giá cho thấy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc đảm bảo TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông (TNGT) giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh công tác đảm bảo TTATGT đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23, trong đó xác định rõ 4 mục tiêu, yêu cầu; đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương tới cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả. Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về bảo đảm TTATGT. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, MTTQ các tổ chức chính trị-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước trong việc kiểm soát TTATGT, kiềm chế TNGT. Đồng thời, nhấn mạnh: trên thực tế, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, số vụ TNGT, số trường hợp vi phạm, tình trạng ùn tắc giao thông giảm nhưng chưa sâu, vấn đề này đang là nỗi lo lắng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Những con số về người chết, người bị thương đằng sau đó là nỗi đau, sự mất mát lớn lao của bao gia đình và xã hội. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân để đảm bảo TTATGT, góp phần vì sự phát triển bền vững của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 23 của Ban Bí thư vào tình hình thực tiễn, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, phát huy vai trò giám sát của cơ quan báo chí, truyền thông và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm quy định về TTATGT; tăng cường huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT…/.

Tác giả: Trần Trung Dũng

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay18,738
  • Tháng hiện tại501,550
  • Tổng lượt truy cập6,135,247
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây