CÔNG AN TỈNH HÀ NAMhttps://congan.hanam.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 30/10/2024 22:42
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nam đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại khi chưa có kỹ năng điều khiển khiến không ít học sinh gặp phải sự cố thương tâm… Trước thực trạng đó, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển...
Nỗi đau “xé lòng” từ những vụ tai nạn giao thông Thời gian gần đây, xe đạp điện, xe máy điện cùng với xe máy dưới 50cc được học sinh từ cấp THCS đến THPT trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng sử dụng rộng rãi làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông, chưa có kỹ năng lái xe an toàn nên tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có cả trường hợp sử dụng rượu bia… khi tham gia giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Đây cũng chính là những nguyên nhân liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh khiến cho nhiều em phải mang thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra hơn 30 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh. Qua những con số cho thấy tình hình tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh đang gióng lên “hồi chuông” báo động. Những vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn làm cho nhiều em phải mang thương tật suốt đời. Hầu hết nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, không làm chủ tốc độ, không đi đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, không nhường đường, không chấp hành biển báo hiệu… Điển hình vào ngày 15/09/2024, em Đ.M.N (SN 2008, trú tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), điều khiển xe máy điện trên đường đi học do thiếu quan sát và không nhường đường cho xe ô tô đến từ bên phải dẫn đến bị tai nạn khiến em N. bị vỡ xương xoang hàm trái và bị hư hỏng phương tiện. Hay gần đây nhất, vào cuối tháng 10/2024, em N.D.D, sinh năm 2007, trú ở thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam điều khiển xe mô tô thiếu quan sát đã xảy ra va chạm với xe ô tô đầu kéo. Hậu quả làm em D bị thương nặng Cần sự chung tay vào cuộc của gia đình và xã hội Thực tế cho thấy, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung, bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh nói riêng tại Hà Nam đã được các địa phương, các trường triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Tại các buổi tuyên truyền, Công an các đơn vị đều tổ chức cho các học sinh, giáo viên ký cam kết không vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số học sinh chấp hành vẫn còn không ít học sinh chưa thực hiện nghiêm các cam kết, điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm đúng quy định, chở quá số người quy định, thậm chí điều khiển cả xe gắn máy trên 50 phân khối khi chưa có bằng lái xe… Ghi nhận tại tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vào đầu giờ sáng sau khi kiểm tra gần 100 phương tiện, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện một số trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ. Trong đó, điển hình có em T.V.T. học sinh lớp 11, khi chưa chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, nhưng em học sinh này vẫn được gia đình giao xe mô tô dung tích động cơ trên 100 phân khối tham gia giao thông. Qua xử lý, kết hợp tuyên truyền, em T. đã nhận ra lỗi vi phạm của mình và cam kết không điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện. Tương tự, em học sinh N.M.H. trú tại phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, cũng mắc lỗi vi phạm điều khiển phương tiện không đủ điều kiện về độ tuổi. Khi hỏi về lý do, em H. giải thích rằng: “Năm nay em lớp 11, nhà ở cách trường hơn 05km nên bố mẹ đã giao xe cho em đi xe hơn một năm nay. Em đã biết hành vi của mình là sai và em sẽ rút kinh nghiệm”. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng Công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, ngay từ đầu năm học mới 2024 - 2025, Công an thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí cán bộ đến các trường trên địa bàn toàn thành phố phát tờ rơi, trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho hơn 20.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và học sinh các trường; tổ chức cho các trường học ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục con em đang trong độ tuổi học sinh, chấp hành nghiêm quy định Luật giao thông đường bộ. Trong đó, không ai khác, chính các bậc phụ huynh phải làm gương cho con học tập, làm theo mỗi khi tham gia giao thông, qua đó hình thành thói quen, ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ một cách triệt để. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, hạn chế thấp nhất tình hình tai nạn, va chạm giao thông. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho lứa tuổi học sinh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cơ quan chức năng gửi thông báo về trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa, đón học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kiên quyết đình chỉ không cho lưu thông các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa, đón học sinh. Tuy nhiên, để kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, một mình lực lượng Cảnh sát giao thông là chưa đủ mà cần sự chung tay vào cuộc của gia đình cũng như toàn xã hội. Các nhà trường cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, sinh viên vận động cha, mẹ, người giám hộ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...