Công an Hà Nam: Tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”

Thứ sáu - 29/09/2023 04:45
Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, các lực lượng Công an Hà Nam từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, phòng ngừa và đấu tranh mạnh với các loại tội phạm; trong đó, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
     Hiện nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt nổi lên loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính, hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức trái quy định của pháp luật với lãi suất cao, gọi là “tín dụng đen”. Đối tượng mà tội phạm “tín dụng đen” hướng đến cho vay thường là các doanh nghiệp, tiểu thương, công nhân, sinh viên, người có khó khăn tài chính và các đối tượng cờ bạc, chơi bời lêu lổng, cần tiền tiêu xài… Với chiêu trò đánh vào tâm lý người dân như thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giải quyết thủ tục vay vốn nhanh chóng qua hình thức cầm đồ, thế chấp giấy phép lái xe, giấy tờ đăng ký xe hoặc thậm chí không cần tài sản thế chấp, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, người có nhu cầu sẽ nhanh chóng nhận được khoản tiền vay. Tuy nhiên, đánh đổi lại, người vay sẽ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ” (từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày vay) tương đương mức lãi suất hàng trăm phần trăm mỗi năm, đẩy người vay vào tình trạng khó có khả năng trả nợ.
     Bên cạnh thủ đoạn tổ chức phát tán, dán tờ rơi tại địa điểm công cộng, hiện nay, khi công nghệ phát triển, các đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ người dân vay tiền qua app (ứng dụng) với thủ tục đơn giản không cần thế chấp. Khi đòi nợ, các đối tượng sẽ gây sức ép bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, hoặc sử dụng thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội của người vay, thậm chí của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Khi người vay không có khả năng trả nợ, chúng sẽ nhờ các đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng ma túy… đến siết nợ, ném chất bẩn, đe dọa, khủng bố tinh thần buộc người vay phải trả tiền.
     Xác định rõ tính chất phức tạp và những hệ lụy liên quan đến “tín dụng đen”, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, các hậu quả, hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra. Các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, phát tài liệu, phóng sự tuyên truyền trực quan, trực tiếp cho quần chúng Nhân dân nâng cao cảnh giác, nhận diện, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã triển khai thực hiện mô hình “xã, phường không có hoạt động tín dụng đen” với những giải pháp cụ thể, như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ; vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động cho vay lãi nặng; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”... Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, tinh thần cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của nhân dân; huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”.
     Cùng với đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền nâng cao cảnh giác trong nhân dân, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tăng cường nắm tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, siết chặt công tác quản lý ngành nghề, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, như: các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính và các đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Để chủ động nắm tình hình, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Nam đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng Công an tỉnh Hà Nam đã điều tra, bắt giữ 65 vụ, 80 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
co quan cong an doc lenh kham xet noi lam viec cua tuandoi tuong tuan dau x
Lực lượng chức năng Công an tỉnh Hà Nam thi hành Lệnh bắt, khám xét nơi làm việc của Vũ Thanh Tuân (dấu X) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
     Trao đổi với Thượng tá Lê Đức Tùng - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Công an Hà Nam với vai trò nòng cốt đã phối hợp với các cấp, ngành triển khai các biện pháp đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, do đó tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã cơ bản được phòng ngừa từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, với tính chất siêu lợi nhuận từ việc cho vay lãi nặng, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” thời gian tới vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẽ hoạt động lén lút với nhiều thủ đoạn tinh vi, “núp bóng”, trá hình, biến tướng với các hình thức, vỏ bọc khác nhau, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng. Để tránh những hậu quả, hệ lụy từ “tín dụng đen”, người dân khi thực sự có nhu cầu vay tiền làm ăn, kinh doanh, cần tìm đến những kênh cho vay chính thống như ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng hợp pháp. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, phải báo ngay cho lực lượng Công an hoặc các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết”.    
     Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” trong đời sống xã hội là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và Nhân dân. Quyết tâm bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững sự trong sạch của địa bàn, Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đồng thời tập trung rà soát, phát hiện, kiên quyết đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, rất cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể; đặc biệt là sự hợp tác, trách nhiệm của mỗi gia đình, người dân trong công tác tố giác, đấu tranh phòng, chống, tội phạm, góp phần phục vụ cho việc điều tra, xử lý các đối tượng trước pháp luật./.

Tác giả: Vũ Thị Hồng Sâm

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,853
  • Tháng hiện tại246,291
  • Tổng lượt truy cập4,208,005
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây