Là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Thọ Lão 1, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) thường xuyên phải tham gia thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính và đi lại, lưu trú ở nhiều địa bàn trên cả nước. Trước đây, anh phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Công an để thực hiện các thủ tục này, nhưng từ khi được lực lượng Công an xã Hoàng Tây đến tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt và sử dụng ứng dụng VNeID của Bộ Công an và hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thì chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù ở nhà hay bất kỳ đâu, anh Hùng đều có thể thao tác, thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết hay khai báo tạm vắng, tạm trú trên môi trường điện tử một cách dễ dàng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng phấn khởi chia sẻ: “Tôi không nghĩ lại đơn giản và tiện ích như vậy. Trước đây, tôi thường phải mang theo Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và nhiều giấy tờ tùy thân, nhưng từ khi sử dụng ứng dụng VNeID đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, bây giờ tôi có thể ở nhà, tranh thủ lúc ngồi trên xe ô tô hoặc ở công ty của đối tác đều có thể thực hiện được nhiều thủ tục hành chính thuận lợi...”.
Công an xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, Hà Nam) tuyên truyền,
hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID.
Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, thụ hưởng những tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, những ngày qua, Công an Hà Nam đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm rõ 7 phương thức thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy, gồm: (1) Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; (2) Sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chip để đọc thông tin công dân; (3) Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân; (4) Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (5) Sử dụng ứng dụng VNeID; (6) Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; (7) Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (để chứng minh nơi cư trú). Công an tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy và có kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy. Đồng thời đẩy mạnh việc cập nhật, bổ sung, làm sạch dữ liệu công dân theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã cấp trên 710.300 thẻ CCCD gắn chíp (đạt 96,30%) cho các đối tượng đủ điều kiện cấp (đứng thứ 13 toàn quốc); kích hoạt 119,233 tài khoản định danh điện tử (đứng thứ 1 toàn quốc). Đặc biệt, tại Hà Nam, nhờ Đề án 06, cụ Lê Thị Kiện (101 tuổi), cụ Lê Thị Hơn (93 tuổi) ở huyện Kim Bảng và bà Lê Thị Hạnh (72 tuổi) hiện trú ở Đắk Lắk thất lạc nhau sau hơn 35 năm đã được đoàn tụ từ sự giúp đỡ nhiệt tình với tinh thần tận tụy vì Nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) tìm kiếm qua hồ sơ CCCD, thêm một lần nữa cho thấy những ý nghĩa sâu sắc, sự kỳ diệu từ Đề án 06 mang lại cho Nhân dân và đời sống an sinh xã hội.
Cùng với đó, những ngày qua, khi tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội được Chính phủ chọn triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, Công an Hà Nam đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ ngày 05/12, 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông, thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn đội ngũ tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đảm bảo đúng quy trình, quy định, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ Nhân dân. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận 1.147 hồ sơ liên thông thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính trên, được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Những kinh nghiệm, hiệu quả trong triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông này tại Hà Nam và thành phố Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để sau khi sơ kết, rút kinh nghiệm, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn quốc từ ngày 01/01/2023.
Với mục tiêu cao nhất là đem lại những hiệu quả thiết thực vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số bảo đảm thuận lợi, minh bạch, tiết kiệm, an ninh, an toàn. Việc chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính sẽ giúp phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng ủy, lãnh đạo Công an Hà Nam tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án 06, thiết thực phục vụ quyền và lợi ích của Nhân dân./.