CÔNG AN TỈNH HÀ NAMhttps://congan.hanam.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 20/09/2023 07:44
Chiều 20/9, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với các cơ quan chức năng: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Hải quan Hà Nam, Trại giam Nam Hà, Sở y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức hội nghị ký kết các quy chế phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Hà Nam, quy chế trong công tác giám định Pháp Y và quy chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ. Cùng dự có Đại tá Tô Anh Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh, Lãnh đạo Ban nội chính tỉnh uỷ, Thủ trưởng các đơn vị ký kết các quy chế phối hợp liên nghành.
Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng và các đơn vị được ký nhằm trung phối đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia tố giác, báo tin về tội phạm; công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố cáo, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra truy tố các vụ án hình sự để đảm bảo việc xử lý chính xác, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê số liệu tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án hình sự do các cơ quan khác chuyển đến; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xác minh, điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền, công tác giám định pháp y, công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Tại hội nghị Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị đã thống nhất, ký ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Hà Nam, quy chế trong công tác giám định Pháp Y và quy chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những tiền đề góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ riêng của từng đơn vị và mục tiêu chung của liên ngành tỉnh Hà Nam trong công cuộc bảo vệ an ninh trật tự xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác giám định pháp y có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan bổ trợ tư pháp, góp phần quan trọng trong phân loại, nhận định hành vi vi phạm, tội phạm ngay từ đầu, hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm. Do vậy, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ pháp luật quy định cho mỗi ngành, đề nghị các ngành thực hiện tốt các quy chế phối hợp, cùng họp bàn để đi đến thống nhất trong giải quyết các vụ, việc; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Bên cạnh việc đấu tranh chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng, thì công tác tuyên truyền, phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu, nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật là một việc hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sau hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị sẽ triển khai, quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công chức đơn vị mình, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật cũng như các quy định, yêu cầu của quy chế sửa đổi, bổ sung đã ký kết. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 03 Quy chế, rút ra kết quả đạt được, tồn tại hạn chế cần khắc phục và những bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp trong công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác giám định pháp y, công tác tuyên truyền pháp luật; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề liên quan theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.