Mới đây, ngày 23/2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phủ Lý, Hà Nam đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Văn Dũng (SN 2004), HKTT thôn An Bài 2, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” xảy ra ngày 24/12/2023 tại thôn An Hoàng, xã Trịnh Xá, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Theo điều tra, khoảng 20h, ngày 23/12/2023, Trần Văn Dũng uống rượu cùng Nguyễn Ngọc H. (SN 2007) và 4 người khác tại 1 đám cưới thuộc thôn An Bài 1, xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Sau đó, Nguyễn Ngọc H. mượn xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter, không đeo biển số của Trần Văn Dũng đi đón bạn. Khi đi đến Km 123 + 600 trên Quốc lộ 37 theo hướng Quốc lộ 21B xã Tràng An, huyện Bình Lục, Nguyễn Ngọc H. điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường quy định và tự đâm vào gốc cây bên đường. Hậu quả, H. tử vong, xe máy bị hư hỏng. Kết luận giám định của lực lượng chức năng cho biết, nồng độ cồn trong máu của H. là 92,04mg/100ml máu. Tại cơ quan Công an, Trần Văn Dũng khai nhận: Biết rõ H. đã sử dụng rượu, không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng vẫn giao xe cho H. sử dụng. Hành vi của Dũng vi phạm khoản 10 Điều 8 Luật giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả H. tử vong phạm vào tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự. Hiện Trần Văn Dũng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Qua vụ việc trên, có thể thấy việc giao xe cho người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển có thể mang lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Cơ quan Công an lấy lời khai của Trần Văn Dũng
Hiện nay, tình trạng cho mượn xe diễn ra khá phổ biến trong đời sống, vì nhiều lý do trong đó dễ thấy nhất là vì tình cảm, quen biết hoặc là người trong gia đình nên nhiều người đã giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân trong gia đình mượn để di chuyển mà đôi khi chính họ cũng biết rõ người đó chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường, nhất là đối với trẻ vị thành niên, học sinh, vì ở lứa tuổi này thể chất, nhận thức của các em về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dễ dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, như: Lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua, kéo xe… khi xảy ra tình huống sẽ không xử lý kịp thời dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP. Phủ Lý, Hà Nam tuyên truyền Luật giao thông cho học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh
Trao đổi với Trung tá Lưu Tuấn Anh - Đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an TP. Phủ Lý, Hà Nam được biết: “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2018, hành vi điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ là các hành vi bị nghiêm cấm. Pháp luật quy định rõ trách nhiệm dân sự và cả hình sự của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao xe cho con và cần nêu gương cho con em trong tuân thủ pháp luật về giao thông…”.
Tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm này. Tại điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm này. Trường hợp nếu để xảy ra tai nạn giao thông chết người, thì người cho mượn phương tiện bị xử lý "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với ngành giáo dục, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các trường học, khu dân cư, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là các em học sinh, thanh thiếu niên; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó rất cần sự quan tâm phối hợp của các phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cho con em. Các phụ huynh cần cân nhắc khi mua xe, giao xe cho con; kiên quyết không giao phương tiện khi các em chưa đủ tuổi, đủ điều kiện để điều khiển. Hãy bảo vệ bản thân, gia đình và người thân của mình bằng cách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông./.
Điều 264, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng…