Nơi ký ức gặp gỡ hiện tại
Khi bộ máy tổ chức ngành Công an được tinh gọn, không còn cấp Công an huyện, lực lượng Công an xã trở thành tuyến đầu nơi gần dân nhất, sát thực tiễn nhất và cũng mang trên mình nhiều trọng trách và điều quý giá hơn cả là Công an xã được trao trọn niềm tin. Không chỉ gìn giữ bình yên cho từng thôn xóm, những người lính Công an xã giờ đây còn mang trên vai một sứ mệnh rất đỗi thiêng liêng đó là kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử dân tộc với công nghệ hiện đại, giữa máu xương của những người đã ngã xuống với khát vọng đoàn tụ của những người còn sống. Trong hành trình xác minh danh tính liệt sĩ, họ không chỉ là cán bộ làm công vụ mà là những nhịp cầu, là người đồng hành của nhân dân đi tìm lại một phần ký ức bị lãng quên.
Khi Công an tỉnh Hà Nam bắt đầu triển khai thu thập mẫu sinh học phục vụ xác định danh tính liệt sĩ, không ít người đã ngỡ ngàng khi biết rằng phần lớn những bước đi đầu tiên lại bắt nguồn từ… trụ sở Công an xã. Trung tá Trần Thanh Bình, Trưởng Công an xã Tràng An cho biết, hiện trên địa bàn xã Tràng An có một Mẹ Việt Nam anh hùng và 117 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Trung tá Trần Thanh Bình tâm sự, có ngày anh em đi cả chục cây số, tới tận nhà lấy mẫu máu cho một cụ bà ngoài 90 tuổi, không còn đủ sức đi xa.
“Dân cần gì, mình có mặt đó. Đó không còn là nhiệm vụ nữa, mà là bổn phận của những người còn sống với những người đã khuất”, anh nói, ánh mắt trầm lặng nhưng kiên định. Có những buổi chiều, trong căn nhà nhỏ, người cán bộ Công an vừa lấy mẫu ADN vừa ngồi nghe các cụ kể chuyện chiến tranh, những câu chuyện như tiếng gió qua hàng tre, nhưng thấm đẫm tình yêu và nước mắt. Đó là lúc người ta nhận ra công nghệ có thể hỗ trợ, nhưng chỉ trái tim mới đủ sức gìn giữ những ký ức đã từng có thật trên mảnh đất này.
Tiếp nối hành trình bằng mệnh lệnh trái tim, trong những ngày giữa tháng 4, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Công an tỉnh Hà Nam đến xã Thanh Tâm để thu nhận mẫu ADN cho bà Nguyễn Thị Mẽ (SN 1959) là em gái của 2 liệt sĩ Nguyễn Công Sức (SN 1948), hy sinh tại chiến trường Khe Xanh và liệt sĩ Nguyễn Mạnh Dân (SN 1940), hi sinh năm 1972 tại Quảng Trị. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, bà Mẽ không khỏi xúc động bởi điều kiện gia đình neo người, lại khó khăn nên việc tìm và đưa hài cốt của hai anh trai liệt sĩ về quê an táng gần như vô vọng.
Giờ đây, khi đoàn công tác của Công an tỉnh Hà Nam và Công ty Genstory tới nhà để thu thập mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính, bà Mẽ trào dâng lên niềm tin tưởng ngày về với quê hương của 2 liệt sĩ Nguyễn Công Sức và Nguyễn Mạnh Dân sẽ không còn xa nữa, khi chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, ngành Công an đã đi sâu vào cuộc sống.
Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam tâm sự: Hàng trăm người cao tuổi đã lặng lẽ tìm đến Công an xã, ôm theo những ký ức tưởng chừng đã nhòa theo năm tháng. Có người đến trong mưa phùn gió lạnh, có người ngồi xe lăn, có người được con cháu dìu từng bước chân. Nhưng tất cả đều cùng một niềm tin “biết đâu hy vọng cuối cùng lần này sẽ được bừng sáng”.
Các cán bộ Công an xã không quản ngày đêm, vất vả, chủ động đến tận nhà các cụ già không thể đi lại, mang theo thiết bị di động, bảng tra cứu ảnh liệt sĩ, tận tay giúp kê khai từng thông tin nhỏ nhất, lấy mẫu ADN. Những hình ảnh ấy giản dị mà sâu sắc là minh chứng sống động cho một lực lượng “vì dân phục vụ” đúng nghĩa. CBCS của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng như tất cả CBCS, công nhân viên, người lao động của Công an tỉnh Hà Nam vui mừng đóng góp một ngày lương để góp phần đẩy nhanh tiến độ xác minh, giám định ADN thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thật sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, lấy Công an xã làm trụ cột. Trong bối cảnh không còn tổ chức cấp Công an huyện, vai trò của Công an xã không chỉ được nâng lên về mặt tổ chức mà còn trở thành “mắt xích quyết định” trong quản trị an ninh, dữ liệu và tương tác, phục vụ trực tiếp với người dân ngay từ cơ sở. Từ chủ trương ấy, Hà Nam đã tiên phong đổi mới không chỉ sắp xếp lại tổ chức mà còn đầu tư đồng bộ công nghệ, lực lượng, hạ tầng cho Công an xã. Trụ sở Công an xã nay là điểm tiếp nhận mẫu sinh học, kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, truy xuất thông tin định danh tới từng hộ, từng người. Những người lính từng quen tuần tra, giữ gìn trật tự, giờ đây đang vận hành những hệ thống dữ liệu hiện đại bậc nhất với mục tiêu không gì khác hơn là phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam khẳng định: “Nếu nói Công an xã là điểm khởi đầu của quá trình hiện đại hóa ngành Công an thì Hà Nam đang là một trong những đơn vị đi đầu, triển khai hiệu quả. Đây không chỉ là sự thay đổi về tổ chức mà là cuộc chuyển giao niềm tin. Và Công an xã Hà Nam đã chứng minh xứng đáng với niềm tin ấy. Đổi mới không phải để thay đổi hình thức mà là để gần dân hơn, để làm đúng lời hứa “vì dân phục vụ”, “đâu cần Công an có, đâu khó có Công an”. Trong hành trình xác minh danh tính liệt sĩ, chính Công an xã đã trở thành nơi khởi đầu cho sự hồi sinh ký ức”.
Sự chuyển mình ấy không chỉ được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, mà còn được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt trân trọng, đánh giá cao. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy chia sẻ: “Công an xã giờ không chỉ là nơi gìn giữ trật tự mà còn là trung tâm lan tỏa công nghệ số, dữ liệu số, công dân số. Chính các đồng chí là người giúp người dân tiếp cận một nền hành chính hiện đại. Những kết quả này cũng góp phần to lớn giúp lãnh đạo, chính quyền các cấp hoạch định lên các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Hà Nam trong thời gian qua”.
Những nhịp đập thầm lặng của lòng biết ơn
Ở nơi gần dân nhất ấy, nơi từng bước chân của chiến sĩ Công an xã in trên từng con đường làng, từng thửa ruộng, từng mái nhà đang diễn ra một cuộc chuyển mình lặng lẽ nhưng đầy cảm xúc. Và mỗi giọt máu được lấy, mỗi thông tin được kết nối, mỗi nụ cười nở trên gương mặt những người mẹ, người cha, người thân liệt sĩ… đều là minh chứng công nghệ có thể hiện đại, dữ liệu có thể số hóa nhưng lòng biết ơn và tình người thì vẫn nguyên vẹn.
Không ai nghĩ rằng, những người CBCS quyết liệt không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, từng quen bước dưới cơn mưa sau đêm tuần tra trở về đơn vị lặng lẽ ngồi trước màn hình vi tính, thuần thục thao tác với dữ liệu sinh học, cập nhật từng thông tin liệt sĩ lên hệ thống dữ liệu quốc gia kết nối toàn quốc. Vậy mà điều tưởng như phi thường ấy tại Hà Nam, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đang diễn ra từng ngày, từng giờ, một cách lặng lẽ mà thiêng liêng. Ở nơi tưởng như yên ả nhất, những vùng quê với con đường nhỏ dẫn qua cánh đồng, với mái nhà thấp thoáng sau rặng tre lại chính là nơi bắt đầu một hành trình số hóa mang trong mình nhịp đập của nhân văn. Ở đó, cán bộ Công an xã không chỉ còn là người thực thi pháp luật, gìn giữ trật tự an ninh, họ đã trở thành những "người bạn đồng hành công nghệ" của nhân dân, những người kết nối giữa ký ức quá khứ và tương lai số hóa của dân tộc.
Không biết bao nhiêu ngày đêm cùng với CBCS của đơn vị và Công an các xã đi thu thập mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Lệ Thúy, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: CBCS của đơn vị cũng như lực lượng Công an xã là những người kiên nhẫn ngồi bên cụ già, hướng dẫn từng bước kê khai online.
Là những người lắng nghe câu chuyện của một người mẹ, một người vợ, người con, đã dành cả đời mong tìm lại tên người thân hy sinh trong chiến tranh. CBCS gõ từng con chữ cẩn trọng, nhập từng dòng dữ liệu chính xác nhất, vì hiểu rằng mỗi thông tin lưu giữ hôm nay không chỉ là con số mà là một phần ký ức thiêng liêng của dân tộc, là sợi dây nối những người còn sống với những người đã ngã xuống cho đất nước.
“Chúng tôi không nghĩ mình đang làm việc với dữ liệu. Chúng tôi nghĩ mình đang giữ gìn một phần linh hồn dân tộc. Bởi mỗi mẫu máu, mỗi dữ liệu ADN… là niềm hy vọng, là nỗi khắc khoải suốt mấy chục năm của một gia đình liệt sĩ về mong ước chưa thể trọn vẹn đoàn tụ”- Thượng tá Dương Hồng Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hà Nam xúc động. Hành trình xác minh danh tính liệt sĩ bằng công nghệ ADN vẫn tiếp tục. Tại mỗi xã, mỗi thôn ở Hà Nam, những chiến sĩ Công an xã vẫn ngày ngày âm thầm thu mẫu sinh phẩm, kiểm tra, xác minh, nhập liệu... Như thể họ đang cùng sống lại một phần lịch sử, đang tiếp nối những trang sử vàng bằng ngôn ngữ của công nghệ, bằng trái tim biết lắng nghe và sẻ chia.
Khi cả đất nước bước vào kỷ nguyên số, khi dữ liệu trở thành “tài nguyên mới” và chuyển đổi số là động lực phát triển quốc gia thì ở những nơi tưởng chừng muộn nhất là làng quê, xóm nhỏ, vùng bán sơn địa lại chính là nơi thắp lên những tia sáng đầu tiên. Không chỉ ở trong những tòa nhà công nghệ cao mà là tại nơi có tiếng gọi khẽ của mẹ già: “Cháu ơi, giúp bà tra thông tin về con trai…”. Nơi đó là nơi bắt đầu một hành trình đổi mới mang hình hài của lòng biết ơn.
Hà Nam với quyết tâm chính trị vững vàng, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trên hết, với sự kiên trì, tận tụy của những chiến sĩ Công an xã đã và đang tiên phong, dẫu còn những khó khăn, dẫu hành trình đi tìm tên cho người đã khuất còn lắm gian nan, nhưng họ chưa từng lùi bước. Lực lượng Công an tỉnh Hà Nam, trong đó có Công an xã đang bền bỉ đi tới bằng đôi chân bình dị, bằng trí tuệ số hóa và bằng một trái tim luôn thắp sáng ngọn lửa thiêng liêng của khát vọng đoàn tụ. Và ở tuyến đầu thầm lặng ấy, những người lính Công an xã chính là nhịp đập của trái tim số một trái tim chung của dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, về sự tri ân, về khát vọng đoàn tụ chưa bao giờ tắt.
Tác giả: Báo Công an nhân dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...
Mã bảo mật