Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác PCCC trong đời sống. Tiếp đó, Luật PCCC năm 2001 quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày toàn dân PCCC” cũng đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác PCCC và mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa lực lượng Công an nhân dân với các tầng lớp quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ phòng, chống “giặc lửa”. Ngày 4/10 cũng trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), ngày hội động viên toàn dân tham gia PCCC, qua đó khẳng định Phong trào "Toàn dân tham gia PCCC" là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác PCCC và CNCH.
Xác định công tác PCCC và CNCH có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân... thời gian qua, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH trong việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lâu dài để làm tốt công tác PCCC và CNCH.
Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 8.227 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC (trong đó có 1.374 cơ sở tiềm ẩn nguy hiểm về cháy, nổ) và 686 khu dân cư. Với phương châm: lấy phòng ngừa là chính, không để cháy, nổ xảy ra; sẵn sàng chữa cháy, CNCH kịp thời... lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH của tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác PCCC ở từng địa bàn, đơn vị cơ sở. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện, nhân lực phục vụ công tác PCCC và CNCH theo phương châm “4 tại chỗ” ngay tại cộng đồng dân cư; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động 6 mô hình về PCCC; trong đó, có 688 điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, xây dựng 72 điểm “chữa cháy công cộng”, 2 điểm “Cửa hàng xăng dầu kiểu mẫu an toàn về PCCC”, 14 điểm “Khu dân cư an toàn về PCCC”, 1 mô hình “Nhà cao tầng an toàn về PCCC” và 1 mô hình “Chợ đạt chuẩn an toàn về PCCC”... Trong quá trình duy trì hoạt động các mô hình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các cấp thường xuyên theo dõi và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về PCCC và CNCH tại các điểm xây dựng mô hình. Các mô hình được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tế, được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức về PCCC và CNCH của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và người dân ở từng địa bàn, khu dân cư. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, cơ sở dịch vụ, tiểu thương, hộ kinh doanh đã tự giác khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vi phạm về PCCC, tích cực tham gia xây dựng các mô hình PCCC phù hợp, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, chủ động xử lý dập tắt những vụ cháy nhỏ ngay từ khi mới phát sinh.
Để phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, Công an tỉnh Hà Nam xác định công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp và từng nhóm đối tượng tiếp nhận, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tự phòng ngừa của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác PCCC. Cùng với đó, đã xây dựng, ban hành 17 văn bản chỉ đạo trong công tác tuyên truyền PCCC, đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH; xét, công nhận 71 đơn vị là điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC như: đổi mới công tác tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm bám sát đặc thù của từng địa phương, đơn vị; phát triển mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” theo hướng tích hợp với thiết bị báo cháy không dây; tổ chức các chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH; duy trì phát sóng “Bản tin 114” trên Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nam; kịp thời phát hiện, giới thiệu, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến về PCCC, công khai phê phán những hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn PCCC… Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 51 buổi tuyên truyền về an toàn PCCC và CNCH cho khoảng 21.400 người tại các trường học, chợ, siêu thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt app “Báo cháy 114” và quan tâm theo dõi trang zalo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an). Hiện, toàn tỉnh đã có 11.116 người cài đặt app “Báo cháy 114”; 100% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 99,4% hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay…
Thời gian tới, để phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân, Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thi hành hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường nghiên cứu, đổi mới toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền về PCCC; vận dụng tốt những ưu thế của công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số phục vụ công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực về con người, phương tiện và kinh phí phụ vụ công tác PCCC và CNCH; tăng cường hiệu quả công tác huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ cho các lực lượng thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp để họ trở thành cánh tay nối dài của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” theo hướng hoàn thiện về tiêu chí, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia...
Tác giả: Đại tá Tô Anh Dũng, Giám Đốc công an tỉnh
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...