Ngày 27/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Căn cước 2023 gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi được quy định tại Điều 19 của luật. Đây cũng là một trong những điểm mới của luật căn cước 2023 mà người dân rất mong chờ sớm được triển khai trong cuộc sống.
Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, gia đình chị Minh thường xuyên phải dịch chuyển nhiều nơi. Do con còn nhỏ, không có người chăm sóc nên buộc chị phải đưa con theo.
Chị Minh cho biết việc phải sử dụng giấy khai sinh cho trẻ khi di chuyển bằng đường hàng không đã khiến gia đình chị không ít lần gặp các sự cố dở khóc dở cười.
Cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là một trong mười điểm mới của luật căn cước. Với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh, tiêm chủng, và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày. Điều này càng có ý nghĩa hơn với trẻ em vùng cao.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Luật Căn cước vào ngày 01/7/2024, hiện Công an các đơn vị, địa phương đang tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết từ nhân sự, trang thiết bị nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả Luật Căn cước. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được những điểm mới của luật, trong đó có việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi theo yêu cầu.
Không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi còn góp phần tiết kiệm một nguồn lớn kinh phí cho nhà nước, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.