Phối hợp chặt chẽ, giải quyết hiệu quả nhiều "điểm nghẽn" trong Đề án 06

Thứ năm - 07/09/2023 21:23
Bám sát những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 452 ngày 23/5/2023 giải quyết “điểm nghẽn” về pháp lý, Bộ Công an với vai trò thường trực đã chủ động phối hợp làm việc với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Trong tháng 8, nhiều kết quả tích cực của Đề án 06 đã góp phần đem lại giá trị lớn phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Chủ động hoàn thiện thể chế, pháp lý

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Trong tháng 8 vừa qua, có nhiều chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc triển khai Đề án 06. Một trong những nội dung quan trọng, đó chính là Chính phủ đã ban hành Công điện số 776 ngày 24/8/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

Công điện nhấn mạnh vấn đề ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác rà soát, xác thực tài khoản ngân hàng, xác thực thuê bao internet, thuê bao di động... phòng ngừa các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ cũng có 2 nội dung về Đề án 06 giao Bộ Công an chủ trì, 6 nhiệm vụ thuộc các bộ, ngành khác.

Bộ Công an với vai trò là cơ quan thường trực đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương. Đảng ủy Công an Trung ương do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn về tình hình quán triệt, triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng lực lượng CAND, đôn đốc, thúc đẩy triển khai, thực hiện Đề án 06.

Đồng chí Tổ phó Thường trực làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao nhằm thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong triển khai Đề án 06. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay và tổ chức lễ công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ dữ liệu với cuộc sống và website diễn đàn chuyển đổi số quốc gia. Chỉ đạo cung cấp số liệu nhân khẩu thực tế cư trú trên địa bàn theo đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương và Bộ Nội vụ có căn cứ lập, thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 557/CĐ-TTg ngày 18/6/2023.

Phối hợp chặt chẽ, giải quyết hiệu quả nhiều
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phát triển thiết bị đọc dữ liệu từ VNeID phục vụ tại các nhà ga, sân bay.

Ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 13, ngày 17/4/2023 của Chính phủ. Tích cực chuẩn bị các điều kiện báo cáo và được Bộ Chính trị nhất trí với chủ trương xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Hiện, Bộ Công an đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ xin ý kiến các đồng chí thành viên Chính phủ về hồ sơ Nghị quyết phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua.

Tổ trưởng, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và Bộ Công an đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai những công việc cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 28 địa phương ký kết kế hoạch phối hợp triển khai 43 mô hình điểm ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử để thực hiện tại địa bàn.

Đặc biệt, Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Xanh Pôn triển khai 13 nhiệm vụ phục vụ công tác khám, chữa bệnh, người dân có thể sử dụng các tiện ích như: khám chữa bệnh thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng kiosk tự phục vụ tại bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người yếu thế, hiển thị thông tin bệnh án điện tử trên VNeID....

Cùng với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 2 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ; 6 văn bản rà soát, đôn đốc, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến Đề án 06. Các bộ, ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao và hướng dẫn ngành dọc tổ chức thực hiện.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 452 ngày 23/5/2023 giải quyết “điểm nghẽn” về pháp lý, Tổ Công tác của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 và theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Đến nay, đã có 19/24 bộ, ngành và 60/63 địa phương có kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06. Có 12/23 bộ, ngành và 50/63 địa phương có kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Giao dịch điện tử. Bộ Nội vụ có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Nghị định quy định cơ chế về vị trí việc làm, đào tạo, chế độ chính sách đối với lực lượng thực hiện Đề án 06 trước khi trình Chính phủ ban hành.

Các bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 351/1.086 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 32,3%, tăng 37 thủ tục hành chính so với thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023). Trong tháng 8, có 48 thủ tục hành chính được ban hành mới, 174 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, 66 thủ tục hành chính bãi bỏ quy định tại 25 văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cũng theo Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.448 dịch vụ công trực tuyến (tăng 39 dịch vụ công so với thời điểm sơ kết 6 tháng 2023). Mục tiêu của Chính phủ là đến đầu năm 2023, tối thiểu 70% thủ tục hành chính phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Thống kế, tính đến hết tháng 7/2023, đối với các bộ, ngành, có 3 đơn vị hoàn thành gồm: Bộ Xây dựng (95%), Bộ Y tế (71,99%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (71,56%). Đối với các địa phương, có 23 đơn vị hoàn thành.

Đã có 31/63 địa phương tham mưu, ban hành nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút, đẩy mạnh người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Một số địa phương thực hiện tốt nội dung trên, nổi bật như TP Hà Nội có “mức thu phí bằng không áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến đến hết 31/12/2025”. Hay như tỉnh Thái Nguyên quy định mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng 50% mức thu lệ phí theo quy định hiện hành theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên.

Phối hợp chặt chẽ, giải quyết hiệu quả nhiều
Nhiều tiện ích được phát triển từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tăng tính kết nối dữ liệu phục vụ người dân, xã hội.

Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06/CP và Quyết định 422 ngày 4/4/2022, tiếp tục được các bộ, ngành quan tâm, đẩy mạnh, nổi bật là 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Từ ngày 10/7 đến ngày 23/8, đã thu nhận 72.468 hồ sơ liên thông khai sinh và 7.467 hồ sơ liên thông khai tử. Một số địa phương có hồ sơ phát sinh lớn như: TP Hà Nội (15.460 hồ sơ liên thông khai sinh, 1.085 hồ sơ liên thông khai tử), Nghệ An (4.412 hồ sơ liên thông khai sinh, 350 hồ sơ liên thông khai tử), Thanh Hóa (3.811 hồ sơ liên thông khai sinh, 459 hồ sơ liên thông khai tử)…

Trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hiệu quả công tác đăng ký, thi, xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2023. 100% thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, với 3,4 triệu nguyện vọng xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức trung gian thanh toán phục vụ các thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ 96,83% số nguyện vọng xét tuyển được thanh toán trực tuyến.

Các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai chính thức sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 cho khách đi tàu bay nội địa tại tất cả các Cảng hàng không trên cả nước từ ngày 2/8.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Để hỗ trợ nhân viên an ninh tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức khi kiểm tra thông tin của hành khách, Bộ Công an đã nghiên cứu, phát triển thêm thiết bị xác thực làm thủ tục đi máy bay trên ứng dụng VNeID, người dân chỉ mất 2 – 3 giây để làm thủ tục đi tàu bay. Không chỉ rút ngắn thời gian phục vụ hành khách, hành khách còn có thêm một “kênh” giao dịch, xác thực mà không cần phải có giấy tờ giấy, đồng thời nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Đến nay, đã có 40 tổ chức tín dụng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp thiết bị, giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip. 27 tổ chức triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 7 tổ chức phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm chấm điểm khả tín cho công dân... Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đến nay, đã có 29,4 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh triển khai với 19,3 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng số tiền thuế thu được là 1.233 tỷ đồng (tăng 748 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023).

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có văn bản đôn đốc UBND các địa phương tích cực triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 185.868 người (tăng 70.062 người, gấp 1,6 lần so với thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023) với số tiền gần 323 tỷ đồng. Nhiều địa phương thực hiện hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều mô hình hay trong quản lý lưu trú tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID, đào tạo online cho cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án 06…

Bộ Công an đã cấp trên 83,7 triệu thẻ CCCD gắn chip phục vụ phát triển công dân số. Phê duyệt 54,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 37,8 triệu tài khoản (chiếm 63,5% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 15,76 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023). Có 21 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. Phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân từ ngày 5/8/2023. Đến nay, đã có 40.000 tài khoản định danh điện tử đăng nhập ứng dụng eTax Mobile để sử dụng.

  •  

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay27,257
  • Tháng hiện tại253,879
  • Tổng lượt truy cập3,257,433
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây