Quyết tâm bồi đắp những thành tựu nền tảng (kỳ cuối)

Thứ hai - 27/03/2023 22:15
Dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đánh giá về dữ liệu là "nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh phải "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian, lộ trình" thực hiện những nhiệm vụ về Đề án 06, chuyển đổi số, đã được Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đặt ra đối với các địa phương.

Thẳng thắn nhận diện những tồn tại

Những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án 06 không chỉ là câu chuyện riêng của tỉnh Hà Nam, mà còn là "bài toán" chung của hầu hết các đơn vị, địa phương trên toàn quốc. Tại tỉnh Hà Nam, từ lãnh đạo cao nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến lãnh đạo các sở, ngành đã không "thấy khó khăn rồi để đấy", mà nhìn nhận với một trạng thái tích cực, đòi hỏi biện pháp giải quyết ngay. Trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ, lộ trình thực hiện", lãnh đạo tỉnh Hà Nam thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số sở, ngành triển khai Đề án 06 chậm, kết quả chưa cao.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch tỉnh Hà Nam thẳng thắn: Đó là lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Những đơn vị được Chủ tịch Hà Nam "điểm tên" gồm Sở Y tế, Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường...

Lấy ví dụ về quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của Sở Y tế, UBND tỉnh Hà Nam đánh giá, hiện vẫn còn 13 cơ sở khám chữa bệnh có thiết bị quét mã QR trên thẻ CCCD chưa hiệu quả hoặc chưa thực hiện nên không có kết quả khám chữa bệnh bằng CCCD thay thẻ bảo hiểm y tế. Số công dân sử dụng thẻ CCCD đi khám, chữa bệnh còn thấp, chưa tương xứng với số lượng thẻ bảo hiểm y tế đã được chuẩn hóa. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay chưa có thiết bị đọc thẻ.

Đáng chú ý, một số nhiệm vụ các sở, ngành chưa hoàn thành, nhất là số hóa dữ liệu chuyên ngành còn chuyển biến chậm. Đơn cử như Sở Tư pháp chưa hoàn thành số hóa hồ sơ hộ tịch. Hay như tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận giải quyết trên dịch vụ công trực tuyến thấp với trách nhiệm thuộc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...

"Công an tỉnh đã làm tốt vai trò cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tổ chức triển khai, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ của Đề án 06. Lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ như: Kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đặc biệt, cấp CCCD gắn chip đứng top đầu toàn quốc. Số hóa hồ sơ cư trú đạt kết quả cao. Các đơn vị từ Công an tỉnh đến huyện, xã, cơ sở tập trung bổ sung, làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống"- đồng chí Trương Quốc Huy đánh giá.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng nhìn nhận, như đánh giá và chỉ đạo của Chính phủ, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tính đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Rõ ràng, những kết quả chưa cao ở một số sở, ngành là tấm gương phản chiếu, đánh giá phần nào thái độ, nhận thức, tư duy và trách nhiệm đối với công việc, nhiệm vụ và cả cộng đồng, người dân của lãnh đạo đơn vị đó. Muốn thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số hiệu quả, thành công thì hơn ai hết, người đứng đầu các cấp phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phải thay đổi ngay từ tư duy, cách nghĩ, cách làm từ thủ công sang hiện đại, từ giấy tờ hành chính sang công nghệ. 

"Năm 2023 được xác định là "Năm hành động" của Đề án số 06, do đó, tôi đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, thành viên Tổ công tác Đề án số 06 các cấp phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nhất là trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ công tác đã đề ra; đồng thời bám sát nội dung Kế hoạch năm 2023 của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo phương châm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", an toàn thông tin, tránh chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức, phải thực chất, nhìn rõ kết quả và đối tượng được thụ hưởng kết quả đó chính là người dân, doanh nghiệp…"- Chủ tịch tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định.

3.jpg -0
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam chúc mừng công dân đầu tiên trên địa bàn thực hiện đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế… với 2 dịch vụ liên thông, trực tuyến.

Củng cố niềm tin người dân, doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ lại chọn tỉnh Hà Nam cùng với Hà Nội là 2 địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm 2 dịch vụ công liên thông trực tuyến. Dù thực hiện là thí điểm, song trong phát biểu chỉ đạo với những kỳ vọng và niềm tin có cơ sở của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đầu tiên triển khai vào cuối năm 2022, đó là "làm luôn", "làm điểm" cho cả nước và sau đó nhân rộng ra toàn quốc.

Tại cuộc họp triển khai đó ở UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý: Thủ tục hành chính liên thông, số hóa trên môi trường điện tử đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, nhanh chóng, thông suốt về dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Chính vì vậy, khi một mắt xích nào đó chậm thì sẽ kéo theo cả dây chuyền bị "nghẽn", khó vận hành trôi chảy. Các bộ, ngành và cấp địa phương là sở, ngành, đơn vị trong đó trọng tâm vào những lĩnh vực như đất đai, y tế, tư pháp… phải vào cuộc với tâm thế, trách nhiệm thật sự quyết liệt.

Đến thời điểm này, không chỉ thực hiện hiệu quả 2 dịch vụ công liên thông trực tuyến mà tỉnh Hà Nam là đơn vị duy nhất ra mắt trang thông tin về Đề án 06 của tỉnh Hà Nam. Tại wesite này có các chuyên mục như VNEID; dịch vụ công trực tuyến, văn bản, tài liệu hướng dẫn và các chuyên mục khác với kết cấu hiện đại, dễ theo dõi, phục vụ người dân trong chuyển đổi số, làm các thủ tục hành chính liên thông, trực tuyến…

Đánh giá và lưu ý về những nguy cơ chậm, muộn nếu như các sở, ngành, đơn vị không quyết liệt thực hiện các phần việc, nhiệm vụ theo Đề án 06 thuộc lĩnh vực đơn vị mình được giao phụ trách, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh Hà Nam khẳng định: Chúng ta phải tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cải cách hành chính, công dân số, xã hội số, bằng chính những kết quả trong thực hiện Đề án 06.

Theo đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, không gì hiệu quả hơn đó chính là cung cấp những dịch vụ công cụ thể để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thay vì người dân phải mất nhiều thời gian, công sức đi lại, vất vả giải quyết thủ tục hành chính như trước kia thì nay trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các dữ liệu chuyên ngành của sở, ngành được số hóa, làm sạch, đồng bộ, đối sánh với dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo nên những "giá trị mới" phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện, văn minh, hiện đại và đặc biệt là an toàn.

Lấy ví dụ về ứng dụng máy đọc thẻ quét mã QR bằng CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID tại khu du lịch Tam Chúc, Đại tá Tô Anh Dũng khẳng định, doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng kiểm soát, phân phối nhanh chóng vé, lượng người ra vào, từ đó xây dựng được phương án phục vụ tối ưu nhất. Đối với người dân, họ cũng không phải chờ đợi, xếp hàng mất thời gian mua vé, thanh toán, khi những dịch vụ của khu du lịch có thể được tích hợp, quét trên thẻ CCCD hay VNEID. Đối với Nhà nước, cơ quan quản lý, việc hạn chế và không dùng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán của người dân, doanh nghiệp cũng giúp quản lý dễ dàng hơn, tránh thất thu thuế, gian lận thương mại… Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai 15 mô hình điểm về Đề án 06 tại địa phương; lựa chọn một số lĩnh vực như: Kinh doanh xăng dầu, nhà hàng ăn uống… để thanh toán không dùng tiền mặt.

Để làm được điều đó, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh Hà Nam lưu ý, các sở, ngành phải đảm bảo an toàn thông tin theo như hướng dẫn 1552 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Những dữ liệu khi số hóa phải đảm bảo các yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống" và trên nguyên tắc đã được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ: "Phải an toàn mới kết nối". Các sở, ngành cũng cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng, tạo mẫu eform.

Khẳng định chính quyền tỉnh Hà Nam luôn lấy người dân, doanh nghiệp là "trung tâm phục vụ", là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho chuyển đổi số, đồng chí Trương Quốc Huy cũng cho biết: Bám sát vào những hướng dẫn, đặc biệt là phần việc, nhiệm vụ cụ thể đã được Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đặt ra trong năm 2023, đồng thời trên cơ sở những kết quả của thực hiện Đề án 06, tỉnh Hà Nam tiếp tục cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả và từ đó hướng tới hình thành công dân số, xã hội số.

Cùng với việc rà soát, đánh giá và tái cấu túc toàn bộ các dịch vụ công đã cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Hà Nam tiếp tục chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

"Chúng tôi đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt nhất là đối với chi trả trợ cấp xã hội, an sinh xã hội; ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xác thực, định danh khách hàng khi mở tài khoản. Đơn cử như những cây xăng trên địa bàn tỉnh tiến tới sẽ không dùng tiền mặt để thanh toán, việc làm này vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, khách hàng"- đồng chí Trương Quốc Huy cho biết.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây