Hiện tượng mạo danh cán bộ cơ quan chức năng để lừa đảo ngày càng biến tướng
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, các đối tượng lừa đảo đã làm giả cả giấy mời của đơn vị này để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Giấy mời giả mạo có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, khi người dân liên hệ theo số này, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển chi phí để được hỗ trợ hoàn thuế.
Bên cạnh đó, việc mạo danh cán bộ Công an cũng đã và đang có những biến tướng mà người dân cần cảnh giác khi mới đây một phụ nữ 68 tuổi sống tại Hà Đông (Hà Nội) đã bị đối tượng giả danh Công an lừa đảo, chiếm đoạt 15 tỷ đồng. Thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng là gọi điện thoại tự xưng cán bộ Công an, thông báo căn cước công dân (CCCD) của nạn nhân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và hướng dẫn cách xác minh. Do lo sợ, nạn nhân đã 32 lần chuyển khoản tổng số tiền 15 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Không chỉ mạo danh cán bộ thuế, Công an, gần đây tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh là cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu căn cước công dân (CCCD), cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số hoặc yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ mà chúng gửi và yêu cầu làm theo hướng dẫn.
Trong khi đó theo BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố không có chủ trương điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số. Cơ quan này khuyến cáo, trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam, nếu có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ.
Đánh vào tâm lý của một số nạn nhân muốn lấy lại số tiền đã mất sau khi bị lừa đảo, nhiều đối tượng cũng đã mạo danh luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn, sau đó, chúng sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền". Thông qua những lời dụ dỗ về việc "đặt cọc" để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng trước một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó. Thấy số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền và kết quả là đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, mất tiền đến 2 lần.
Sẽ định danh, xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng
Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ TT&TT, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng lừa đảo người có xu hướng “rộ” lên từ đầu năm 2024 cho đến nay.
Lý giải nguyên nhân vì sao các đối tượng lừa đảo lại ngang nhiên mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho rằng, điều này xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất là các quy định pháp luật về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đang trong quá trình hoàn thiện, tiêu biểu là Nghị định 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được sửa đổi, sẽ sớm được trình Chính phủ xem xét ký ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 72 được ban hành, sẽ định danh được các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới, trên cơ sở đó cơ quan quản lý mới có đủ căn cứ pháp lý yêu cầu các tổ chức xuyên biên giới cung cấp thông tin liên quan đến các tài khoản mạng xã hội mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh tổ chức để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Vấn đề thứ hai là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn so với trước. Các đối tượng lừa đảo hoạt động manh động hơn, xuyên biên giới, có sự cấu kết của các đối tượng trong nước và quốc tế, lấy các địa bàn ở các quốc gia, khu vực lân cận ngoài Việt Nam làm địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội lừa đảo phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, thời gian xác minh và xử lý kéo dài hơn so với các vụ việc mà đối tượng lừa đảo hoạt động trong nước.
Hiện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã và đang nỗ lực phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT để rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng nhằm lừa đảo công dân Việt Nam.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT cũng cho biết: Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý xác thực người dùng và rà soát thông tin trên không gian mạng. Trong đó, việc trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 và một số chính sách khác được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác quản lý không gian mạng nói chung, phòng, chống lừa đảo trực tuyến nói riêng.
Cụ thể, các nhóm giải pháp chính sẽ được Bộ TT&TT đề xuất triển khai thời gian tới gồm có: Yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng; yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia; bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng và chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đăng ký tài khoản./.
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...