Chị N.T.T (42 tuổi ở quận 12, TP Hồ Chí Minh), bị lừa mất hơn 40 triệu đồng. Tuần trước, có một thanh niên tên là Lê Tiến Dũng, hình đại diện chụp từ phía sau nên không thấy mặt, gửi tin nhắn nói chị truy cập vào trang web ebay-66.com xem để kiếm tiền. Đối tượng cho biết đây là thương gia ebay lớn của quốc tế thì không thể có chuyện lừa đảo.
Chị T. hỏi tại sao lại có số 66 sau chữ ebay? Người này giải thích, đây là mã giới thiệu thương mại. Đối tượng liên tục đưa ra các lý do để thuyết phục, chỉ cần chị nhắn tin đặt câu hỏi thì đối tượng biết chắc đây là “con mồi” nên tiếp tục thả câu và chị T. cũng “mắc câu”.
Theo hướng dẫn của đối tượng, chị T. nạp 1,2 triệu đồng để quay 10 lần. Quay thành công 10 lần, chị nhận được số tiền 1.296 ngàn đồng vào tài khoản ngân hàng. Lúc này, đối tượng nói chị nên tham gia thành viên VIP để được tiền lãi nhiều hơn, từ 25% - 35% của đơn hàng quay được.
Thấy nhận được cả tiền gốc và lãi, sẵn có tiền trong tài khoản, chị T. chuyển 12 triệu tương đương 500 USD. Quy định là phải quay 10 lần mới được rút tiền, chị quay được 4 lần thì nhận được thông báo hết tiền. Khi chị liên hệ, chị nhận được nội dung, do chị quay phải đơn hàng giá cao, muốn quay lần tiếp theo phải nộp thêm tiền.
Đơn hàng thứ 5 hơn 100 USD (khoảng 3 triệu đồng), nhưng sau khi quay thì tài khoản lại hết tiền, muốn quay đơn hàng thứ 6, chị phải nộp hơn 400 USD (khoảng 10 triệu đồng). Chị hỏi thì được trả lời là do chị may mắn quay được đơn hàng lớn, có người muốn quay đơn này mà không được, nếu chị nộp 10 triệu đồng sẽ được quay tiếp, nếu không nộp thì mất hết số tiền cả gốc lẫn lãi.
Sau khi quay đơn hàng thứ 6, chị lại nhận được thông báo tài khoản hết tiền, muốn quay đơn hàng thứ 7, chị phải nộp 729 USD. Lúc này chị nói hết tiền để nộp nên muốn dừng chơi và rút số tiền gốc cùng lãi của những lần quay trước đó. Đối tượng nói sẽ cho chị vay 5 triệu đồng, số còn lại chị vay mượn của người thân, bạn bè. Chị T. vay mượn được 12 triệu, tổng cộng là 17 triệu.
Chuyển tiền xong, chị quay nhưng tiếp tục bị yêu cầu phải nộp 1.083 USD (trên 26 triệu đồng) mới được quay đơn hàng số 8. Đối tượng nói sẽ cho chị vay 500 USD, còn lại chị cố gắng vay thêm để nộp. Chị T. yêu cầu dừng quay để rút tiền thì đối tượng nói phải quay đủ 10 đơn hàng mới được rút tiền.
Cũng “dính” thủ đoạn tương tự, anh T.H.L (40 tuổi, ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) mất 2,6 tỷ trong vòng 5 ngày.
Người sử dụng mạng xã hội thường mất cảnh giác khi thấy tên những người nổi tiếng hay các hãng lớn mà không xem xét kỹ. Chẳng hạn, đối tượng tạo trang web gần giống với ebay, Walmart… thậm chí là các ngân hàng, phía sau tên miền website, đối tượng thêm dấu chấm hay gạch nối và các ký tự khác, nếu chỉ xem lượt qua rất dễ tưởng trang thật. Hiện nay, trên mạng cũng có nhiều bài quảng cáo về việc kiểm tiền bằng cách mở gian hàng online của nhà bán lẻ Costco (Mỹ). Các đối tượng tạo fanpage giả với tên là Phân phối hàng Costco – Việt Nam… có ghép ảnh Vương Phạm là người Việt đang sinh sống tại Mỹ. Các fanpage này chạy quảng cáo, không phải trang chính có dấu tích xanh, nhưng không ít người tưởng thật.
Chiêu thức là kẻ lừa đảo sẽ giới thiệu về việc mở một gian hàng trên Costco, chỉ cần giới thiệu để bán hàng giống như hình thức affiliate marketing. Tuy nhiên, khi có người mua hàng, thay vì bên phân phối sẽ thực hiện giao hàng và chia phần trăm hoa hồng cho bạn thì kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu bạn cọc tiền sản phẩm đó, khi bạn cọc tiền thì chính thức bạn đã bị lừa.
Trên trang mạng có dấu tích xanh, Costco cho biết nhiều trò lừa đảo trên mạng phổ biến liên quan tới thương hiệu của mình. Costco cũng nhấn mạnh rằng, công ty không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân trên mạng, trừ khi một số trường hợp qua trang mạng chính thức của mình.
Các thủ đoạn lừa đảo như tuyển dụng việc làm, nhờ vào link website để bình luận cuộc thi của trẻ em, gọi điện hù dọa vi phạm giao thông, hù liên quan đến các vụ án,… dần bị người dân cảnh giác, các đối tượng tiếp tục nghĩ ra những chiêu thức mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tải hình ảnh và clip các shark hoặc người nổi tiếng nói về đầu tư tài chính trên mạng về, sau đó cắt lấy những nội dung chính và tạo fanpage mang tên những người này để đăng clip hoặc hình ảnh. Đối tượng còn tạo fanpage giả các hãng bán lẻ lớn, làm cho nhiều người lầm tưởng là trang thật nên đã bị lừa.
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...