Bài viết nêu rằng, vì tinh thần đấu tranh cho dân sinh, dân quyền của "nhà hoạt động Lê Đình Lượng", từ năm 2018, Việt Tân đã thiết lập giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng "nhằm nêu cao sự hy sinh và những hoạt động của những cá nhân hay tổ chức đang miệt mài tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam". Với chủ đề "công lý cho dân tộc, công bằng cho mọi người", Việt Tân muốn "đề cao sự can đảm của các nhà hoạt động miệt mài tranh đấu chống áp bức, chống phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng trong xã hội nhằm mang lại công lý và công bằng cho mọi người dân Việt Nam".
Bài viết thông tin rằng, tên của cá nhân hay tổ chức được ban giám khảo của giải thưởng này tuyển chọn sẽ công bố vào đầu tháng 12 và giải thưởng sẽ tổ chức vào ngày 14/12/2024 tại Toronto, Canada.
Chiêu trò tung hô giải thưởng với tên gọi nhân quyền, đưa ra những mục đích tỏ ra cao cả kiểu "công lý cho dân tộc, công bằng cho mọi người", "chống phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng trong xã hội" hẳn chỉ có thể loè bịp những ai nhẹ dạ, lần đầu tiếp cận thông tin của Việt Tân. Còn về bản chất, sự lặp đi lặp lại mang tính "bổn cũ soạn lại" qua các năm thì dù tổ chức này có đưa ra câu từ lấp lánh đến đâu cũng không thể che đậy bản chất dối trá, bịp bợm. Thực chất, đó chỉ là trò tung hứng của một nhóm cá nhân xoay quanh những đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam đã bị bắt, xử lý hình sự thì dù có đội lốt bằng tên gọi hào nhoáng nào đi nữa cũng không thể loè bịp với đa số người có hiểu biết, nhận thức.
Đã thành lệ, cứ dịp cuối năm, Việt Tân và một số tổ chức chống phá hải ngoại lại vẽ trò bình chọn và trao "giải thưởng nhân quyền". Để gây chú ý, các đối tượng không ngừng tung hô giải thưởng "có giá trị" cả vật chất lẫn tinh thần, sau đó tự lập "hội đồng" đưa ra các ứng viên nhận giải. Những ứng viên này là những cái tên nhẵn mặt trên mạng, có hồ sơ phạm pháp, chống phá Nhà nước Việt Nam, nhiều thành phần bất hảo, từng chấp hành án phạt tù, nay lại chứng nào tật nấy, tiếp tục hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống chính quyền nhân dân.
Để cổ suý cho giải thưởng, tổ chức khủng bố Việt Tân rêu rao: "Để xiển dương (biểu dương) tinh thần đấu tranh cho dân sinh dân quyền của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, Đảng Việt Tân đã thiết lập Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng"… Sau thời gian tung hứng, những ứng viên được nêu tên với những mỹ từ hài hước, rằng "được bình chọn cao, tín nhiệm lớn".
Giải thưởng nhân quyền vốn rất thiêng liêng, vì mục đích cao cả, dành cho những người có đóng góp lớn vì sự tiến bộ trong bảo đảm quyền con người ở các quốc gia, vùng, lãnh thổ hay ở phạm vi khu vực và thế giới. Thế nhưng, điều kỳ quặc là lâu nay, một số tổ chức nhân danh "bảo vệ quyền con người" lại làm điều vừa trái đạo lý, vừa trái pháp lý khi dựng lên cái gọi là "giải thưởng nhân quyền" để trao cho những kẻ phá hoại xã hội, phá hoại cuộc sống của người dân ở các nước mà kẻ đó sinh ra hoặc đang sinh sống, trú ngụ. Cứ nhìn những người được các tổ chức này trao giải, nhiều người không nhịn được cười, không hiểu là họ đang diễn hề hay làm trò kỳ quặc gì.
Riêng với "giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng", đây là chiêu trò tấu hài mà họ diễn nhiều năm nay. Lê Đình Lượng - một đối tượng phạm tội bị TAND cấp cao y án 20 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Việt Tân thường tô vẽ cho giải thưởng này với những ngôn từ khôi hài: "giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng sẽ là một nỗ lực đóng góp cụ thể vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam"!
Lâu nay, Việt Tân và các tổ chức, hội nhóm phản động vẫn bấu víu "giải thưởng nhân quyền", lập ra vô số tên gọi khác nhau mà không hiểu rằng, trò hề đó chính là sự xúc phạm nghiêm trọng đến giá trị nhân quyền. Có thể kể tới các giải thưởng mà các tổ chức này đưa ra như: "giải thưởng Hellman/Hammet" của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), "giải thưởng Stephanus" của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; "giải thưởng quốc tế Gruber" của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế, rồi "giải nhân quyền Gwangju"...
Bên cạnh đó, một số giải thưởng và danh hiệu như "Công dân mạng" của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF); "Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận" của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX) có trụ sở tại Canada; giải "Phụ nữ can đảm nhất thế giới" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ... Ngoài ra, hội nhóm lập ra "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" tại Mỹ còn công bố trao giải thưởng "nhân quyền Việt Nam" cho những đối tượng như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân…
Vậy, mưu đồ của "giải thưởng nhân quyền" trên là gì? Với những đối tượng càng chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân Việt Nam thì lại càng được "lên bục nhận thưởng" với "hội đồng giám khảo" là những thành phần bất hảo thì động cơ, mưu đồ này không khó để nhận biết. Thông qua giải thưởng, các tổ chức này vừa tạo dư luận, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước, đồng thời tạo cớ để khuếch trương thanh thế, từ đó để nhận được sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức đứng sau.
Hãy điểm danh những đối tượng "lên bục nhận thưởng" trước đây như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Văn Hải (blogger “Ðiếu cày"), Phan Thanh Hải (blogger "Anh ba Sài Gòn"), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang... Rõ ràng, việc cổ suý, trao giải cho những đối tượng chống Nhà nước, chống nhân dân chính là một chiêu bài bịp bợm của những tổ chức thù địch với Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như "nhà báo tự do", "nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền", "tù nhân lương tâm", "công dân yêu nước"... nhưng họ không thể che đậy được ý đồ chống phá Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, đây là hành vi vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền để tiến hành hoạt động nhằm gây bất ổn chính trị ở trong nước.
Xét đến cùng thì việc trao các loại "giải thưởng nhân quyền" cho các đối tượng đã đề cập ở trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản trong chiến lược "diễn biến hoà bình", can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đáng nói là những đối tượng được xướng tên như vậy không biết đấy là điều hổ thẹn, vẫn tỏ ý đắc chí, như thể làm được công lao gì ghê gớm lắm. Phản dân, hại nước, thực sự thì những người nhận giải thưởng đó có khác gì con rối, trò chơi, bị người khác dùng làm trò tiêu khiển mà không ý thức được.
Cần thấy rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung vào việc cải cách pháp luật và nâng cao nhận thức xã hội nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền con người và phòng, chống tra tấn. Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi "Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người" (CAT) đã minh chứng cho những tiến bộ quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.
Báo cáo được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phê duyệt vào tháng 2/2024 và được giới thiệu tại hội thảo quốc tế do Cục Đối ngoại và Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 14/7/2024. Việc giới thiệu báo cáo không chỉ nhằm cung cấp thông tin về những tiến bộ đã đạt được mà còn thể hiện sự minh bạch và cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.
Báo cáo này đánh giá toàn diện những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng, chống tra tấn và bảo vệ quyền con người, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giám sát và triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo. Những cải cách này không chỉ mang tính pháp lý mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội minh bạch và công bằng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đánh giá cao đối với những cải cách pháp luật của Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng, các biện pháp của Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia này. Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật, nhằm bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả hơn.
Đại diện của Tổ chức Ân xá quốc tế, bà Agnes Callamard thì khen ngợi tính minh bạch trong báo cáo và các biện pháp cải thiện tình hình thực thi Công ước CAT. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách pháp luật nhằm tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và công bằng hơn. Hơn 56 luật và văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để bảo vệ quyền con người và phòng, chống tra tấn, trong đó có Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Luật Cư trú năm 2020. Những cải cách này không chỉ giúp ngăn chặn các hành vi tra tấn mà còn tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU) đã đánh giá cao những cải cách pháp luật và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước CAT. Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã nhấn mạnh rằng các nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam là một bước tiến quan trọng. Điều này giúp Việt Nam không chỉ cải thiện tình hình nhân quyền trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Đó là thực tế khách quan, được các tổ chức có uy tín của quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thế nên việc giở trò trao giải thưởng nhân quyền cho các đối tượng phạm pháp, lại vin cớ "ngày quốc tế về nhân quyền" là sự xúc phạm đến giá trị của Tuyên ngôn, đến lương tri nhân loại. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền - một Tuyên ngôn ra đời và ảnh hưởng tới nhân loại mà họ lại đưa ra làm trò đùa giỡn, một Tuyên ngôn có được với bao nỗ lực của các bậc tiền nhân cũng như sự hy sinh xương máu của con người, ở đâu cũng phải tôn trọng, phải gìn giữ, bảo vệ, vậy mà họ lại ngang nhiên bôi vẽ, chà đạp để thực hiện ý đồ thấp hèn?
Nguồn tin: Báo CAND: