Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí

Thứ bảy - 26/08/2023 23:25
Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, việc đổi tên từ thẻ căn cước công dân (CCCD) sang thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí, bởi các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

CMND cấp trước thời hạn luật này có hiệu lực được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn thẻ CCCD đã được cấp thì người dân tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, khi công dân đến tuổi phải đổi thẻ thì sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước và hoàn toàn miễn phí.

Dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Việc xây dựng dự án luật là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Dự thảo luật gồm 7 chương, 46 điều, trong đó sửa đổi 39 điều và bổ sung mới 7 điều so với Luật CCCD năm 2014.

Liên quan một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định.

Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí -0
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng.

Chỉnh lý tên Luật Căn cước chính xác, bao quát hơn

PV: Thưa đại biểu, dự án Luật Căn cước được Chính phủ trình Quốc hội nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Do đó, việc chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ "Luật CCCD (sửa đổi) thành "Luật Căn cước" cũng nhằm bảo đảm cụ thể hoá các chính sách. Quan điểm của ông về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng: Theo tôi, việc chỉnh lý tên luật như vậy là cần thiết, vì thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật lần này, đặc biệt là đối với người gốc Việt Nam, hay căn cước điện tử. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là định danh, xác định rõ danh tính từng con người cụ thể. Việc lược bỏ cụm từ "công dân" trong tên luật không hề tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch, cũng như địa vị pháp lý của công dân. Thêm vào đó, nội dung Luật Căn cước cũng đã phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

PV: Có đại biểu đề nghị giữ tên gọi như luật cũ vì việc thay đổi là không cần thiết, đồng thời chúng ta đã áp dụng ổn định Luật CCCD từ trước đến nay...

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng: Đúng là nếu thay đổi thì có sự xáo trộn trong hệ thống pháp luật và không bảo đảm sự ổn định của chính sách, tuy nhiên, chúng ta cần nhìn rộng ra và lựa chọn phương án ưu thế hơn, không phải vì sự ổn định mà không điều chỉnh tên luật cho chính xác, bao quát. Bởi, nếu giữ nguyên tên Luật CCCD (sửa đổi) thì không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung, tên luật cũng không bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo luật. Việc giữ nguyên tên luật cũng sẽ dẫn đến cách hiểu là chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định trong luật.

Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí -0
Thẻ căn cước công dân sẽ đổi tên thành thẻ căn cước để thể hiện đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, như Ban soạn thảo đã lý giải, người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền con người. Việc quản lý và bảo đảm địa vị pháp lý cho người gốc Việt Nam ở nước ta là yêu cầu cấp thiết, có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến chiến tranh, di cư... Mặt khác, thực tế hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu nào về người gốc Việt Nam, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là vấn đề bảo đảm ANTT khi họ vi phạm pháp luật, cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề nhân quyền gây mất ANTT, an toàn xã hội.

PV: Vâng, tương tự như vậy, còn hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề tên gọi của thẻ. Đại biểu suy nghĩ gì về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng: Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Chính phủ trình là đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước vì thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân, giúp xác định danh tính trong giao dịch. Quy định này không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân vì trong thẻ được thể hiện rõ người được cấp thẻ có quốc tịch Việt Nam.

Việc đổi tên thẻ bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế khi nhiều nước hiện nay sử dụng tên thẻ căn cước (Identicy Card); đồng thời, bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung dự án luật khi Việt Nam ký kết thoả thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia, ví dụ đi lại trong khối ASEAN...

Một vấn đề quan trọng khác là việc đổi tên thẻ không hề phát sinh thủ tục, chi phí của ngân sách nhà nước cũng như chi phí của xã hội, bởi lẽ, Điều 46 dự thảo luật quy định, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. CMND cấp trước thời hạn luật này có hiệu lực được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn thẻ CCCD đã được cấp thì người dân tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, khi công dân đến tuổi phải đổi thẻ thì sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước và hoàn toàn miễn phí.

Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí -0
Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cấp CCCD cho người dân.

Việc thu thập 24 nhóm thông tin không gây phiền hà cho người dân

PV: Liên quan thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Điều 10 dự thảo luật quy định 24 nhóm thông tin cần thu thập, cập nhật để phục vụ công tác quản lý nhà nước về ANTT, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ. Theo ông, việc thu thập, cập nhật thông tin có cần thiết không?

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng: Theo Ban soạn thảo, trong 24 nhóm thông tin có 4 nhóm thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: Họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; từ đó, tạo lập loại thông tin thứ 5 là số định danh cá nhân để giúp phân biệt người này với người khác, phục vụ công tác quản lý dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, còn 19 nhóm thông tin còn lại bao gồm: quê quán, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại... là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của Đề án 06. Chẳng hạn, nhóm thông tin về hộ tịch và nơi thường trú, tạm trú, nơi ở phục vụ việc xác định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, cũng như địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Thông tin về nhóm máu phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám, chữa bệnh. Thông tin về số điện thoại di động, email để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan Nhà nước với người dân, thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch...

Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí -0
 
Đổi tên thẻ căn cước không hề phát sinh thủ tục, chi phí -0
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Công an TP Hà Nội cấp định danh điện tử cho ĐBQH tại Toà nhà Quốc hội khi đang diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Việc thu thập, cập nhật là cần thiết, vì hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước, được Chính phủ đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, được quản lý, giám sát bởi đội ngũ cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng. Quan trọng, đây là cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan Nhà nước, được kết nối, chia sẻ, phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng thông tin tới toàn bộ cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Việc thu thập, cập nhật sẽ phục vụ việc truy xuất thông tin sử dụng sau này với quy trình chặt chẽ, nhanh chóng, thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin. Đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế, tránh việc Nhà nước phải tốn nhiều chi phí đầu tư xây dựng nhiều loại cơ sở dữ liệu khác nhau.

PV: Có ý kiến lo ngại việc thu thập đầy đủ 24 nhóm thông tin nêu trên không khả thi, gây phiền hà cho người dân. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc này?

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng: Giải trình của Chính phủ đã nêu rất rõ, việc thu thập thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, các dữ liệu được cơ quan quản lý căn cước thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác và cập nhật từ hệ thống tàng thư do lực lượng CAND quản lý, từ nguồn thông tin có trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác.

Trong trường hợp không thu thập được 24 nhóm thông tin từ các nguồn trên thì công dân có trách nhiệm cung cấp ngay 4 nhóm thông tin để tạo lập số định danh cá nhân, khi đó mới được cơ quan nhà nước ghi nhận "danh tính" vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp đó, cung cấp cho cơ quan Nhà nước 20 nhóm thông tin còn lại khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Như vậy, theo tôi thấy việc thu thập, cập nhật cũng không gây phiền hà gì cho người dân, vì chỉ khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính hay dịch vụ công mới phải kê khai thêm các trường thông tin.

Nguồn tin: cand.com.vn Báo CAND

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,770
  • Tháng hiện tại255,392
  • Tổng lượt truy cập3,258,946
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây