Quy định mới về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam kể từ ngày 15/8/2023

Thứ tư - 13/09/2023 21:15
Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật số 23/2023/QH15 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 23) và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Luật số 23/2023/QH15 đã tháo gỡ nhiều “nút thắt”, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Luật số 23 đã nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày; quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần (quy định trước đây, thị thực điện tử có giá trị một lần) và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật… Đồng thời, để đảm bảo công tác quản lý, Luật số 23 đã sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam và các trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan, cụ thể:
1. Luật số 23 đã bổ sung quy định : “Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú”, người nước ngoài có nghĩa vụ “Xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định”. Ngoài ra, người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định.
2. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.
- Mọi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc thực hiện Luật số 23 đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho Việt Nam trong việc thu hút du khách quốc tế, đồng thời cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc xuất nhập cảnh và du lịch góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để Luật mới ban hành thực sự đi vào cuộc sống, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện, an toàn đối với bạn bè quốc tế thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nắm rõ các quy định trên để thực hiện.

 

Nguồn tin: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay26,424
  • Tháng hiện tại580,453
  • Tổng lượt truy cập5,388,783
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây