Giải đáp tất tần tật thắc mắc về tiện ích "siêu ứng dụng" VNeID

Thứ năm - 22/06/2023 03:11
Lãnh đạo C06 đã có những giải đáp về thắc mắc của công dân khi dùng ứng dụng định danh điện tử.
Giải đáp tất tần tật thắc mắc về tiện ích "siêu ứng dụng" VNeID - 1

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia. Ảnh N.H.

Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã có những chia sẻ về tiện ích của ứng dụng định danh tiện tử (VNeID).

PV: Ông có thể cho biết ứng dụng VNeID do ai phát triển, có đảm bảo tính bảo mật không?

Thiếu tá Trần Duy Hiển: Ứng dụng VNeID là ứng dụng do Bộ Công an xây dựng và quản lý để xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp và quản lý định danh, xác thực điện tử. Quản lý sử dụng thông tin định danh và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử; phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mọi thông tin của người dân trên ứng dụng VNeID do cơ quan công an quản lý nên đảm bảo tính bảo mật, an toàn đối với người sử dụng.

PV: Có mấy cách đăng ký VNeID? Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?

- Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, sử dụng để đăng nhập vào ứng dụng VNeID.

Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ:

Mức độ 1: Công dân thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID.

Đối với công dân Việt Nam, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin công dân kê khai đã được đối sánh tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với người nước ngoài, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin người nước ngoài kê khai đã được đối sánh tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Mức độ 2: Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an để làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Đối với công dân Việt Nam, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin công dân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân.

Đối với người nước ngoài, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin người nước ngoài kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Nếu được cấp phê duyệt tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ nhận được tin nhắn SMS có nội dung: “Cuc Canh sat QLHC ve TTXH thong bao: Ho so dang ky tai khoan dinh danh dien tu của ong/ba NGUYEN VAN A da duoc phe duyet. De nghi truy cap ung dung VNeID hoac dia chi https://vneid.gov.vn de kich hoat tai khoan”. Sau khi nhận được tin nhắn, đề nghị công dân tiến hành kích hoạt tài khoản theo hướng dẫn.

PV: Tài khoản định danh điện tử mức 1, công dân hưởng tiện ích gì?

- Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể thực hiện một số tính năng cơ bản như: Thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú…

PV: Tài khoản định danh điện tử mức 2, công dân hưởng tiện ích gì?

- Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể thực hiện tất cả tính năng, tiện ích do ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp: Tích hợp hiển thị các giấy tờ tùy thân, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

PV: Các giấy tờ như thẻ hành nghề luật sư, thẻ nhà báo có được tích hợp không thưa ông?

- Hiện tại ứng dụng VNeID cho phép tích hợp và hiển thị các thông tin giấy tờ cá nhân: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Bộ Công an đang nghiên cứu tích hợp thông tin hộ chiếu, thông tin thuế và các giấy tờ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

PV: Người dân đã cài ứng dụng VNeID rồi có phải mang theo các giấy tờ đã tích hợp trên app nữa không?

- Ứng dụng VNeID được biết đến như một ví điện tử giúp tích hợp và hiển thị các giấy tờ cá nhân, hướng tới thay thế giấy tờ vật lý. Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 01/01/2023. Ứng dụng VNeID được biết đến là một trong các phương thức chứng minh thông tin công dân thay thế cho sổ hộ khẩu.

Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế vào tài khoản định danh điện tử của công dân để tạo tiện ích cho công dân trong quá trình khám chữa bệnh.

Từ ngày 1/6/2023 đến hết ngày 1/8/2023, Cục hàng không Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công an và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai ứng dụng xác thực tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 đối với hành khách tại các cảng hàng không đối với chuyến bay nội địa.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành hướng tới ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong mọi mặt đời sống xã hội: sử dụng thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe trong tham gia giao thông; sử dụng thông tin thẻ CCCD trong các giao dịch tại ngân hàng…đồng thời phát triển thêm các tính năng, tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.

PV: Theo ông, app này có thay được hộ chiếu khi ra nước ngoài?

- Hiện nay Bộ Công an đang phối hợp cùng Cục hàng không Việt Nam và các đơn vị vị liên quan triển khai ứng dụng xác thực tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 đối với hành khách tại các cảng hàng không đối với chuyến bay nội địa.

Bộ Công an sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu tích hợp thông tin hộ chiếu lên ứng dụng VNeID và nghiên cứu xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.

PV: Khi mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia, người dân cần làm gì?

- Người dân cần lưu ý tuyệt đối không chia sẻ các thông tin đăng nhập và sử dụng tài khoản định danh điện tử, bao gồm: mã số định danh cá nhân, mật khẩu đăng nhập, passcode, mã OTP trên điện thoại cho bất kì ai.

Trong trường hợp mất thiết bị đang đăng nhập tài khoản định danh điện tử, nếu công dân có thiết bị mới hỗ trợ NFC để đăng nhập.

Công dân thực hiện đăng nhập trên thiết bị mới bằng cách sử dụng tính năng quét NFC đối với thẻ căn cước công dân. Sau khi đăng nhập thành công, công dân vào phần quản lý thiết bị và ấn hủy liên kết với thiết bị cũ.

Trường hợp không có thiết bị mới hoặc thiết bị mới không hỗ trợ tính năng quét NFC để đăng nhập, công dân có thể liên hệ tổng đài 1900.0368 hoặc ra cơ quan công an để yêu cầu khóa tài khoản.

PV: Hạn sử dụng của tài khoản định danh điện tử là bao nhiêu?

- Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chip.

Khi thẻ CCCD gắp chíp hết hạn, ứng dụng gửi thông báo tới tài khoản của công dân đề nghị làm thủ tục cấp đổi thẻ mới. Sau 30 ngày, nếu công dân không thực hiện thủ tục đổi thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa đến khi công dân được cấp thẻ CCCD mới.

PV: Khi nhận được cuộc gọi “lạ” tự xưng là cán bộ công an yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng..để cấp tài khoản định danh điện tử. Có nên thực hiện theo những yêu cầu trên không?

- Hiện nay có rất nhiều trường hợp giả mạo tin nhắn, điện thoại của cơ quan công an để đe dọa, trục lợi, lừa đảo…sử dụng “bẫy” tâm lý để chiếm đoạt thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập tài khoản định danh điện tử, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ ai, đặc biệt qua các cuộc gọi mạo danh các cơ quan chức năng.

Trong trường hợp công an cần làm việc với cá nhân, tổ chức phục vụ công tác, sẽ có cán bộ trực tiếp đến làm việc cùng với giấy tờ đầy đủ chứng minh hoặc có giấy mời làm việc gửi tới cá nhân, tổ chức đó. Cơ quan công an tuyệt đối không làm việc và yêu cầu công dân cung cấp thông tin cá nhân thông qua tin nhắn hay cuộc gọi.

PV: Khi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, phải làm gì?

-  Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.

Ngoài ra, công dân có thể đến cơ quan công an cac cấp nơi gần nhất để được hỗ trợ đổi thiết bị đăng nhập, đổi số điện thoại nhận thông báo tài khoản định danh điện tử.

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay28,996
  • Tháng hiện tại255,618
  • Tổng lượt truy cập3,259,172
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây