* Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người, phá huỷ kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
* Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, gồm: thuốc nổ; phụ kiện nổ (kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, thiết bị chuyên dùng có chứa thuôc nổ).
* Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
* Về Pháo
1. Pháo nổ: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 thì: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả… khi đốt gây ra tiếng nổ); pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian
2. Pháo hoa: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.
* Đồ chơi nguy hiểm bị cấm (Theo Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ngày 18/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành danh mục đồ chơi nguy hiểm bị cấm) là những đồ chơi mà khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ của con người và làm thiệt hại đến tài sản hoặc gây tâm lý kích động bạo lực, phần tử xấu có thể lợi dụng đe doạ người khác để hoạt động phạm tội ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội, gồm:
- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn.
+ Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa, hoặc đạn các loại.
+ Súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ.
- Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc có hình dạng súng ngắn.
- Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa cung nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén.
II. Các hành vi bị nghiêm cấm
Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể 09 hành vi bị nghiêm cấm gồm:
- Khoản 1: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
- Khoản 2: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Điều 14 Nghị định đã quy định cụ thể tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, đáp ứng đủ các điều kiện thì được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác đều không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo.
- Khoản 3: Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Khoản 4: Cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Khoản 5: Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không đảm bảo an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Khoản 6: Cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo,
- Khoản 7: Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Khoản 8: Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Khoản 9: Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che dấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
III. Các hành vi vi phạm về Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép
- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép
- Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ
- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tương tự
- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo
IV. Các hành vi vi phạm về Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS)
1. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304 BLHS)
Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 BLHS)
Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS)
Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
4. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 BLHS)
- Điểm b Khoản 1: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 100.000.000đồng đến 1.000.000.000đồng hoặc bị phạt tù 01 năm đến 05 năm.
- Điểm g Khoản 2: Phạt tiền từ 1.000.000.000đồng đến 3.000.000.000đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.
- Điểm c Khoản 3: Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên.
5. Tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS)
- Điểm c Khoản 1: Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam thì bị phạt tiền từ 50.000.000đồng đến 300.000.000đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Điểm g Khoản 2: Bị phạt tiền từ 300.000.000đồng đến 1.000.000.000đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.
- Điểm c Khoản 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên.
6. Hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS.
* Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về VK, VLN, CCHT, pháo và đồ chơi nguy hiểm, mỗi người dân chúng ta cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ và thuốc pháo;
2. Không mua, bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng trái phép các loại vũ khí- Vật liệu nổ- Công cụ hỗ trợ;
3. Không mua, bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng trái phép các loại linh kiện, cụm linh kiện để láp ráp, chế tạo các vũ khí, Công cụ hỗ trợ;
4. Không sản xuất, mua bán, sử dụng các loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm trong danh mục cấm;
5. Không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt và thả “đèn trời”.
6. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
7. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về VK, VLN, CCHT, pháo và đồ chơi nguy hiểm là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân./.