Một số tình huống thường gặp và hướng xử lý trong điều tra, xử lý tội phạm về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ

Thứ tư - 18/12/2024 23:32
Qua nghiên cứu thực tiễn công tác điều tra, xử lý tội phạm về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) tại Điều 304,305 và một số văn bản liên quan trực tiếp như luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 (gọi tắt là Luật số 14/2017/QH14); Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 BLHS năm 1985 (gọi tắt là Thông tư liên ngành số 01/TTLN), Công văn số 989/VKSTC-V01 ngày 17/3/2021 về việc Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng Điều 304 và Điều 305 BLHS; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS (bản dự thảo), tác giả xin tổng hợp, phân tích một số tình huống thường gặp và hướng xử lý tương ứng, cụ thể:

 1. Tình tiết vật phạm pháp có số lượng, giá trị “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”tại Điều 304 BLHS năm 2015 là bao nhiêu?

     Theo quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015 thì “số lượng” là một trong những căn cứ giúp cơ quan điều tra định khung hình phạt và “số lượng” cụ thể là bao nhiêu, hiện đangđược hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN. Tuy nhiên Thông tư này đã “lạc hậu” và chỉ quy định số lượng vật phạm pháp tương ứng với ba khung hình phạt gắn với Điều 95 BLHS năm 1985, trong khi Điều 304 BLHS năm 2015 quy định bốn khung hình phạt tương ứng với “số lượng lớn”,“số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”. Ngoài ra,Thông tư liên ngành số 01/TTLN cũng chưa hướng dẫn về giá trị tương ứng với bốn khung hình phạt tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 304 BLHS năm 2015.

     Thấy được vướng mắc này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất ban hành Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của BLHS năm 2015, trong đó tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 4 của Nghị quyết đã giải quyết được vấn đề số lượng và giá trị vật phạm pháp là vũ khí quân dụng nêu trên và đang trong giai đoạn xin ý kiến, cụ thể:

       Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt

         1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự với số lượng hoặc giá trị sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:

                  a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 01 đến 02 khẩu.

                  b) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 05 đến 300 viên.

                  c) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 05 đến 200 viên.

                  d) Bom, mìn, lựu đạn: từ 01 đến 05 quả.

                  đ) Vật phạm pháp có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 10.000.000 đồng

                 e) Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự với số lượng, giá trị dưới mức hướng dẫn tại các điểm b, c, đ khoản 1 Điều này nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội cố ý hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự.

            2. “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:

                  a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu.

                  b) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 01 đến 05 khẩu.

                  c) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 01 đến 02 khẩu.

                  d) Đạn cối, đạn pháo: từ 01 đến 10 quả.

                  đ) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 301 đến 1.000 viên.

                  e) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 201 đến 600 viên.

                  g) Bom, mìn, lựu đạn: từ 05 đến 20 quả.

                  h) Ngư lôi, thủy lôi: từ 01 đến 02 quả.

            3. “Vật phạm pháp có giá trị lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là từ 10.000.000 đến dưới 200.000.000 đồng

            4. “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:

                   a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 11 đến 30 khẩu.

                   b) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 06 đến 30 khẩu.

                   c) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 03 đến 20 khẩu.

                   d) Đạn cối, đạn pháo: từ 11 đến 30 quả.

                   đ) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 1.001 đến 3.000 viên.

                   e) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 601 đến 2.000 viên.

                   g) Bom, mìn, lựu đạn: từ 21 đến 50 quả.

                   h) Ngư lôi, thủy lôi: từ 03 đến 10 quả.

                   i) Máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang: từ 01 đến 02 chiếc.

                   k) Xe tăng, xe thiết giáp: từ 01 đến 02 chiếc.

                   l) Tàu chiến, tàu ngầm: từ 01 đến 02 chiếc.

                   m) Pháo mặt đất, pháo phòng không: từ 01 đến 02 chiếc.

                   n) Tên lửa: từ 01 đến 02 quả.

            5. “Vật phạm pháp có giá trị rất lớn” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

            6. “Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:

                    a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 31 khẩu trở lên.

                    b) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 30 khẩu trở lên.

                    c) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 21 khẩu trở lên.

                    d) Đạn cối, đạn pháo: từ 31 quả trở lên.

                    đ) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 3.001 viên trở lên.

                    e) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 2.001 viên trở lên.

                    g) Bom, mìn, lựu đạn: từ 51 quả trở lên.

                    h) Ngư lôi, thủy lôi: từ 03 quả trở lên.

                    i) Máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang: từ 03 chiếc trở lên.

                    k) Xe tăng, xe thiết giáp: từ 03 chiếc trở lên.

                    l) Tàu chiến, tàu ngầm: từ 03 chiếc trở lên.

                    m) Pháo mặt đất, pháo phòng không: từ 03 chiếc trở lên.

                    n) Tên lửa: từ 03 quả trở lên.

           7) “Vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là từ 1.000.000.000 đồng trở lên.”

     Tuy nhiên, bản dự thảo cũng chỉ mới dừng lại ở mức đề cập đến số lượng, giá trị một số vũ khí quân dụng phổ biến còn các đối tượng khác, đặc biệt là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì chưa quy định. Trong khi kết luận giám định cũng chỉ trả lời có phải là“vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng” hay không, chứ không nêu cụ thể là tương tự vũ khí quân dụng nào và nếu có thì có phải sẽ áp dụng khung hình phạt tương ứng với khung hình phạt của vũ khí quân dụng tương tự đó hay không cũng chưa được quy định. Thêm vào đó, một vấn đề đặt ra là việc xác định giá trị vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là việc rất khó vì không được sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định. Do vậy, quá trình tiếp thu, chỉnh sửa, ban hành Nghị quyết hướng dẫn, cơ quan có thẩm quyền cũng cần quan tâm đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả trong áp dụng.

     2. Nguyễn Văn A có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh thì xác định là tội phạm vũ khí quân dụng hay tội phạm liên quan đến vật liệu nổ?

     Trong hướng dẫn tại khoản 11, Điều 6 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nêu hai hướng xử lý, cụ thể: (1) Trường hợp bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định A phạm tội về vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015; (2)Trường hợp bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổthì xác định A phạm tội vềvật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS năm 2015.

     Riêng đối với trường hợp có cả bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng và bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng theo quan điểm của tác giả nếu hai hành vi phạm tội của A có liên quan chặt chẽ với nhau thì A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội và việc cần làm là cơ quan điều tra phải xác định đúng bản chất hành vi phạm tội của A? từ đó lựa chọn tội danh cho phù hợp. Ngược lại, nếu A thực hiện hai hành vi này độc lập với nhau thì sẽ bị truy cứu cả hai tội về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 của BLHS để quyết định khung hình phạt.

     3. Nguyễn Văn A bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H khởi tố về tội “cướp tài sản” và tiến hành khám xét nơi ở đối tượng sau đó. Quá trình khám xét phát hiện, thu giữ 01 khẩu súng (giám định kết luận là súng quân dụng), nhưng tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” lại thuộc thẩm quyền của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh. Trường hợp này xử lý như thế nào?

     Về nguyên tắc, tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015 thuộc thẩm quyền của cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh (Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015), do vậy, để đưa ra hướng xử lý phù hợp cần cần làm rõ tính liên quan giữa hai hành vi phạm tội này với nhau:

     (1) nếu khẩu súng thu được trong tình huống trên gắn với hành vi “cướp tài sản” của đối tượng thì có thể giao cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thụ lý toàn bộ vụ án và ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với hành vi “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Lý do: các hành vi liên quan đến nhau, nếu tách vụ án thì khó khăn trong xử lý vật chứng của vụ án (khẩu súng); căn cứ dẫn chiếu từ thẩm quyền xét xử (Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện hoàn toàn có thể thụ lý điều tra; cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận và tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu nên nắm rõ tình tiết vụ án, sẽ đảm bảo được thời hạn, tính hiệu quả của quá trình điều tra, không phát sinh thêm thủ tục tách, chuyển vụ án. Trong trường hợp này, nếu có khó khăn cơ quan Cảnh sát điều tra có thể yêu cầu hỗ trợ nghiệp vụ điều tra từ phía cơ quan An ninh điều tra.

     (2) ngược lại, nếu khẩu súng không liên quan đến hành vi “cướp tài sản”, chỉ đơn thuần là “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” (hành vi hoàn toàn độc lập) thì căn cứ Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có thể tách vụ án “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” để chuyển cho cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý điều tra theo thẩm quyền hoặc căn cứ điểm đ, khoản 6 Điều 9 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 hướng dẫn về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015,  cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện cần trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để chuyển toàn bộ vụ án cho cơ quan An ninh điều tra tiến hành điều tra (cơ quan An ninh điều tra tiến hành điều tra cả 02 hành vi “cướp tài sản” và “tàng trữ vũ khí quân dụng).

     4. Nguyễn Văn A mua một khẩu súng từ Nguyễn Văn B với mục đích trưng bày, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì có bị xử lý hình sự tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng?

     Căn cứ Điều 63, 67 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trường hợp giao nộp vũ khí quân dụng theo vận động của chính quyền địa phương thì không xử lý hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, nếu hành vi tàng trữ trái phép này của A liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật khác, cần thiết phải xử lý hình sự thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS tương ứng với hành vi phạm tội.

     5. Quá trình điều tra về hành vi “mua bán trái phép vũ khí quân dụng” (01 khẩu súng Rulo) còn phát hiện bị can có hành vi tàng trữ trái phép 50 viên đạn quân dụng. Trong trường hợp này, về thủ tục tố tụng, cần ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án, bị can về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” hay ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, bị can?

     Trong trường hợp này, hành vi tàng trữ 50 viên đạn quân dụng của bị can đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập là tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 156 và Điều 180 Bộ luật TTHS năm 2015, cơ quan điều tra ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

     Trên đây là một số tình huống thường gặp trong điều tra, xử lý tội phạm về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ, tác giả xin tổng hợp, nêu ra để cùng trao đổi nhằm thống nhất trong thực tiễn áp dụng./.

Tác giả: Theo Cổng TTĐT Đại học ANND

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây