Hoàn thiện pháp luật về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thứ năm - 31/10/2024 00:01
Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Việc xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đảm bảo ANTT; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Hoàn thiện pháp luật về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ -0
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội không quản ngại nguy hiểm, nỗ lực cứu người dân trong một vụ cháy.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH nhằm mục đích thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC, CNCH. Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã xác định tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm CNCH; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ CNCH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) đề ra nhiệm vụ xây dựng dự án luật điều chỉnh về PCCC và CNCH. Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC, CNCH.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH còn bổ sung quy định về hoạt động CNCH cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hoạt động CNCH của lực lượng PCCC có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH...

Và theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2023 thì "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật". Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, còn hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC đang thực hiện lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không đảm bảo cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH hằng ngày, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, góp phần bảo đảm ANTT, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm và tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, CNCH trong tình hình mới.

Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay22,591
  • Tháng hiện tại544,397
  • Tổng lượt truy cập5,352,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây