Hoàn thiện pháp luật về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Thứ tư - 30/10/2024 23:57
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Luật PCCC và CNCH được xây dựng và ban hành sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về công tác PCCC và CNCH như Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.

Hoàn thiện pháp luật về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới -0
Đại tá Hoàng Ngọc Huynh.

Dự thảo Luật PCCC và CNCH bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân. Bởi lẽ, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy các hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ (các sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày hiện nay đang được quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC, do vậy cần phải được quy định trong luật.

Việc xây dựng và ban hành Luật PCCC và CNCH cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về công tác PCCC, CNCH. Các quy định trong dự thảo luật khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập, thiếu sót của pháp luật hiện hành như quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH; về xây dựng, bố trí lực lượng PCCC và CNCH; về quy định trang bị phương tiện PCCC đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông; về bảo đảm điều kiện hoạt động PCCC, CNCH; về các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù; về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; về tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng…

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những nội dung chính của dự thảo Luật PCCC và CNCH?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Những nội dung chính của dự thảo Luật bao gồm: Quy định bao quát, thống nhất hoạt động PCCC; phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; phân công, phân cấp, tăng cường giải pháp phòng ngừa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC.

 Quy định cụ thể các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà chưa được quy định trong văn bản Luật; quy định thực hiện xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC; xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH.

Bảo đảm điều kiện đối với hoạt động PCCC, CNCH như chế độ, chính sách cho người tham gia hoạt động PCCC, CNCH, khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động PCCC và CNCH.

PV: Một trong những nội dung mới đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định về các hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Hoạt động CNCH được quy định cụ thể trong dự thảo Luật như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Hoạt động CNCH hiện đang được quy định tại Chương IV của dự thảo luật gồm các nội dung cơ bản sau: Một là, phân định rõ các tình huống CNCH mà lực lượng PCCC và CNCH chủ trì thực hiện. Hai là, quy định cụ thể về trách nhiệm CNCH. Ba là, quy định về người chỉ huy CNCH. Bốn là, quy định cụ thể về việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia CNCH.

Hoàn thiện pháp luật về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới -0
Dự thảo Luật PCCC và CNCH đã điều chỉnh, bổ sung các quy định mới để đảm bảo thực thi quy định về hoạt động PCCC.

Ngoài ra, tại chương quy định chung của dự thảo luật cũng quy định rất cụ thể các nội dung liên quan đến việc xây dựng và thực tập phương án CNCH; quy định rõ các đối tượng, cơ sở phải tổ chức xây dựng và thực tập phương án này nhằm chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện xử lý khi có tình huống xảy ra.

PV: Đồng chí hãy cho biết, so với Luật PCCC, dự thảo Luật PCCC và CNCH đã điều chỉnh những quy định nào chưa cụ thể, chưa rõ ràng, đồng thời bổ sung các quy định mới để đảm bảo thực thi quy định về hoạt động PCCC?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Dự thảo Luật PCCC và CNCH đã bổ sung chính sách của nhà nước về PCCC, CNCH như: Huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động PCCC, CNCH; đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho toàn dân; đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực; bố trí phù hợp lực lượng PCCC và CNCH bám sát các địa bàn, cơ sở; khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động PCCC, CNCH, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động PCCC, CNCH.

Bổ sung quy định về CNCH; trách nhiệm CNCH; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về CNCH; trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH.

Bổ sung hành vi nghiêm cấm như làm mất tác dụng của đường thoát nạn, ngăn cháy lan; xây dựng công trình, chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy…

Bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh; trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình.

Bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC, CNCH như quy định cụ thể về bồi dưỡng, chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH, trong tham gia chữa cháy, CNCH.

 Bổ sung quy định xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH.

PV: Thưa đồng chí, dự thảo luật cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia hoạt động PCCC và đáp ứng yêu cầu thực tiễn như thế nào?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Dự thảo luật không quy định mới về thủ tục hành chính, đồng thời cắt giảm 8 nhóm thủ tục hành chính như phê duyệt phương án chữa cháy; cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ; phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân; cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC để tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt PCCC trên cơ sở tăng cường chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra giám sát quản lý của cơ quan nhà nước.

PV: Xin đồng chí cho biết tiến độ hoàn thiện dự án Luật PCCC và CNCH đến thời điểm này?

Đại tá Hoàng Ngọc Huynh: Dự thảo luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Công an đang khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay26,662
  • Tháng hiện tại29,075
  • Tổng lượt truy cập5,662,772
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây