Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, trong đó đã sửa 39 điều trong Luật Căn cước công dân năm 2014; bổ sung mới 7 điều. Trong đó, mở rộng đối tượng áp dụng; bổ sung một số từ ngữ để giải thích khái niệm cho phù hợp với nội dung; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử…
Sự cần thiết xây dựng Luật Căn cước nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, qua đó tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước chuyển đổi số ở nước ta. Trước yêu cầu về phục vụ chuyển đổi số quốc gia, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trên không gian mạng, đặc biệt là thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nên Bộ Công an thấy rằng cần thiết phải đẩy nhanh quá trình sửa đổi Luật Căn cước công dân để không chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện nay đang có hiệu lực thi hành vì các văn bản pháp luật này đã có thay đổi cơ bản. Việc đổi tên là rất cần thiết và hợp lý, đảm bảo yêu cầu cho phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số trong thời kỳ mới, đảm bảo ngắn gọn, bao hàm hết phạm vi điều chỉnh của Luật này. Mục tiêu xây dựng Luật Căn cước là hướng tới đem lại tiện lợi tối đa cho người dân trong cuộc sống hàng ngày, bớt thủ tục hành chính, bớt nhiều giấy tờ. Chỉ cần 1 tài khoản định danh điện tử là có thể lưu trữ được những thông tin cần thiết để phục vụ cho các giao dịch thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, tạo điều kiện cho công dân tham gia vào các giao dịch điện tử một cách thuận tiện và an toàn.
Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước. Xây dựng Luật Căn cước phục vụ cho việc xây dựng và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những Cơ sở dữ liệu quốc gia trọng điểm theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Chính phủ điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về toàn bộ công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ sở dữ liệu này sẽ được liên kết và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng thông tin về dân cư để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Với những ý nghĩa thiết thực, có thể khẳng định, dự thảo Luật Căn cước là một sáng kiến mang tính đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và phát triển chuyển đổi số quốc gia./.