Tăng cường truyền thông chống buôn bán người. |
Đồng thời, đại diện EU cũng bày tỏ sự quan tâm với đề xuất thúc đẩy cơ chế hợp tác (Hiệp định song phương, Hiệp định tương trợ tư pháp) mà ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Công an đưa ra trong bài phát biểu về kinh nghiệm của Bộ Công an trong xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện khuyến nghị UPR chu kỳ III tại các cơ quan chính phủ. Đại diện EU nói: “EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống buôn bán người, tiếp tục có các hỗ trợ kỹ thuật và vui mừng tổ chức cuộc gặp giữa các bên để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này”.
Được biết, không chỉ EU mà nhiều quốc gia khác cũng đang có những hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phòng chống buôn bán người. Hồi tháng 5, lễ khai trương biển truyền thông cho đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111 đã diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Khi đó, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Stephen Lysaght cho biết, hợp tác của Anh với Việt Nam hiện tâp trung vào triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức nghiệm. Anh vẫn chia sẻ thông tin về các nhóm tội phạm và nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, để không còn nhiều người Việt Nam trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này.
Đại sứ Anh Gareth Ward và diễn viên Bảo Thanh chia sẻ những thông điệp về phòng chống mua bán người trên xe buýt hồi tháng 7/2019 |
Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hồi cuối năm ngoái cho hay, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở Việt Nam. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Thủ đoạn của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi và phức tạp. Chúng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ.
Các thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc được giải cứu về Việt Nam. |
Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao để đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ, ép buộc hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bán ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi rồi đưa ra nước ngoài bán. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài.
Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Cục Trẻ em được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từ năm 2013 đã xây dựng Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người – số điện thoại 111.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, Cục Trẻ em phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công An và Cục Phòng chống tội phạm ma túy- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng 111.
Tác giả: Theo Báo Công an Nhân dân