Chặn tin nhắn rác và cuộc gọi lừa đảo

Thứ sáu - 29/11/2024 09:23
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin. Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, việc đối soát thông tin thuê bao mới của các nhà mạng cũng đang được kiểm soát chặt chẽ. Bộ TT&TT cho biết, sẽ tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm xử lý tình trạng SIM không chính chủ, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo.

Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển thuê bao mới

Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, bên cạnh việc loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động còn triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.

vnp_sim_the_1.jpg -0
Nhà mạng cam kết dừng bán SIM qua đại lý từ ngày 10/9. Ảnh minh hoạ

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: Bộ TT&TT đang quyết liệt xử lý tình trạng thuê bao không chính xác, SIM không chính chủ. Trước kia, Bộ TT&TT chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đối soát thông tin thuê bao. Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, hàng tháng hiện có 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Cơ bản các thuê bao mới đều đã được đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Hiện ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát online, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận. Các nhà mạng còn lại hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ TT&TT. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Lý giải về việc vì sao việc mua SIM đã kích hoạt sẵn vẫn diễn ra trên thị trường, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng. Qua công tác thanh tra cho thấy, vẫn còn tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, có thể đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác.

Trước thực trạng trên, thời gian qua Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh. Theo đó, tất cả các nhà mạng cam kết với Bộ sẽ dừng các đại lý phát triển SIM như vậy kể từ ngày 10/9 tới, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi có uy tín mà doanh nghiệp đảm bảo giám sát, kiểm soát được.

“Hợp lực” ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác là các bản tin hoặc cuộc gọi không mong muốn. Các tin nhắn, cuộc gọi rác này có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale hay tiếp thị từ xa qua điện thoại. Hiện không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này.

Khẳng định việc xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: Đối với các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, kẻ xấu chủ yếu mạo danh các cơ quan công quyền như Công an, Cảnh sát giao thông, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bộ TT&TT đã trao đổi với các đơn vị có liên quan để tiến hành thí điểm định danh cuộc gọi của các đơn vị này. Các nhà mạng đã xây dựng xong giải pháp kỹ thuật và trong tháng 9, 10 sẽ triển khai đến các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có liên hệ với người dân. Các cơ quan nhà nước khi gọi đến công dân đều phải có định danh, cuộc gọi phải hiện tên đích danh cơ quan. Khi đó, bất cứ số máy lạ, không hiển thị brandname gọi đến xưng danh đại diện cơ quan công quyền đều là lừa đảo.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, các tin nhắn, cuộc gọi rác chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Hoạt động này đã được quy định rõ trong Nghị định 91/2020. Theo Nghị định này, doanh nghiệp gửi tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi quảng cáo đều sẽ phải có brandname (tên định danh). Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra, nếu cuộc gọi quảng cáo không đăng ký brandname sẽ bị xử phạt hành chính. Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với các ngân hàng để tiến tới việc phải có brandname khi các đơn vị liên hệ với khách hàng. Điều này nhằm giúp người dùng di động yên tâm, tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây