Trước tình hình trên, các cơ quan quản lý Nhà nước gồm Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ pháp lý, kỹ thuật đến thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục biến hóa với sự đan xen giữa các thủ đoạn cũ và mới, gây bối rối cho người dân trong việc nhận biết. Chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận rất nhiều thủ đoạn lừa đảo mới như: Cắt ghép hình ảnh các bác sĩ ở một số bệnh viện để mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mời gọi nhà đầu tư tham gia vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo) với lãi suất cao, sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư; mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả với chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn so với mức thông thường và thu nhập rất cao rồi chiếm đoạt phí hồ sơ; mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước, các tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân…
Mới đây nhất, lợi dụng bão số 3 gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai…
Ông Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin cho biết: Thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam thời gian qua cho thấy, đối tượng lừa đảo thường tiếp cận các nạn nhân qua gọi điện, nhắn tin, mạng xã hội, nền tảng OTT; sau đó chúng sử dụng các phương thức dẫn dụ truy cập vào đường dẫn các trang web, fanpage giả mạo nhằm đánh cắp thông tin của người dân, dụ dỗ cài đặt các ứng dụng độc hại để thao túng, kiểm soát điện thoại của nạn nhân. Một phương thức khác cũng được đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều là dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm trên nền tảng OTT để thao túng tâm lý, mời tham gia đầu tư và sau đó lừa chiếm đoạt tài sản…
Cũng theo ông Phạm Thái Sơn, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, NHNN thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào 3 nhóm chính gồm các giải pháp liên quan đến chính sách và pháp lý, giải pháp kỹ thuật, giải pháp về tuyên truyền. Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo ở các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, thực hiện quyết định của NHNN, các ngân hàng triển khai biện pháp yêu cầu người dân phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày.
Biện pháp này đã giúp giảm số lượng các tài khoản ngân hàng giả mạo, tài khoản ngân hàng không định danh, và đặc biệt là làm chậm dòng tiền của các đối tượng lừa đảo, từ đó góp phần bảo vệ tài sản của người dùng. Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng đã phối hợp với Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, ra mắt phần mềm nTrust - một ứng dụng di động hỗ trợ người dân phát hiện sớm các dấu hiệu lừa đảo, các tài khoản chuyển tiền lừa đảo...
Đặc biệt, Cục An toàn thông tin triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, được kết nối với nhiều nền tảng khác nhằm giúp phát hiện và ngăn chặn sớm các đường link lừa đảo. Theo thống kê, tính đến nay, hệ thống kỹ thuật này đã phát hiện và ngăn chặn hơn 13.000 tên miền độc hại, qua đó góp phần hỗ trợ, bảo vệ người dùng khi tham gia vào không gian mạng. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận diện lừa đảo trực tuyến cho người dân nhằm góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến sớm nhất.
Theo Trung tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an, trước tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Cùng với đó, Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; tăng cường ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Ngoài ra, Bộ Công an đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, trên không gian mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng. Chỉ tính từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến…
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân
Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...