Dự hội thảo có đại diện các Đại sứ quán: Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Israel, Lào, Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC); lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong và ngoài lực lượng CAND.
Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng như công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là một lĩnh vực rộng lớn, được tiến hành ở nhiều quốc gia trên thể giới.
Ở mỗi nước, tùy vào cách tiếp cận và đặc điểm về sự phát triển khoa học công nghệ, thể chế, chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội..., vấn đề này được triển khai trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, liên quan đến nhiều lực lượng, với những sắc thái riêng. Đồng thời, đây cũng là một lĩnh vực thường xuyên phát sinh những vẫn đề lý luận và thực tiễn mới, cần nghiên cứu, bổ khuyết.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an là đầu mối đại diện cho Việt Nam tham gia tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác đa phương, khu vực, liên khu vực về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng. Việt Nam cũng đã ký kết và triển khai hợp tác song phương với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế để kịp thời chia sẻ, phối hợp xử lý tin nóng về tội phạm công nghệ cao.
Hội thảo “Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay” được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; bước đầu đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế của hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; từ đó định hướng các mặt công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay một cách hiệu quả, trong đó có hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ nội hàm, đặc điểm, phương thức, thủ đoạn, hậu quá, tác hại, nguyên nhân, điều kiện này sinh tội phạm sử dụng công nghệ cao; tính có tổ chức, xuyên quốc gia, mối quan hệ của tội phạm này với các loại tội phạm khác và xu hướng diễn biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới.
Các ý kiến cũng đã chia sẻ kết quả; làm rõ bài học kinh nghiệm hay, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ đó rút ra những khuyến nghị đối với Việt Nam, nhất là trong hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, huy động nguồn lực vào hợp tác quốc tế phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu rõ những tác động, thách thức của khoa học công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác xây dựng lực lượng CAND.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, không gian mạng đang trở thành mảnh đất màu mở của tội phạm mạng, khái niệm biên giới ngày càng mờ nhạt, nhiều thiết bị kết nối Internet dẫn đến nguy cơ dễ bị lộ, lọt thông tin… Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng gợi mở một số vấn đề xây dựng lực lượng CAND trong bối cảnh mới như: Nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm; chủ động trong công tác dự báo, nhất là các loại tội phạm mới nổi với các phương thức thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi…
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc của Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh loại tội phạm này ngày càng gia tăng cả mức độ, tính chất và phương thức phạm tội.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khuyến nghị cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo đúng tình hình, xu hướng vận động để tăng cường hợp tác; xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế; tổng kết các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một đạo luật riêng về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường nguồn nhân lực để thực thi pháp luật; tiếp tục xúc tiến ký kết hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tạo khung khổ pháp lý phù hợp với bối cảnh phát triển nhanh của tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Tùng Hưng, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc Phòng cũng đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chung tay với quốc tế xây dựng luật quốc tế trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong huấn luyện quốc tế và đào tạo cho lực lượng tác chiến không gian mạng...
Bà Nguyễn Thị Như Trang, chuyên viên phụ trách chương trình quốc gia, chương trình toàn cầu về tội phạm mạng, cơ quan của Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) cũng khẳng định cần tiếp tục phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm công nghệ cao, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: Điều tra tội phạm mạng, kỹ thuật hình sự số, chứng cứ số, bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến; điều tra tài sản ảo; phòng ngừa các loại tội phạm mạng…
Ông Chen Peretz-Tham tán, Trưởng văn phòng đại diện Bộ Kinh tế công nghiệp Israel cũng đã chia sẻ về những xu hướng tội phạm chính tại Israel, trong đó nổi lên các loại tội phạm như lừa đảo, tấn công bằng phần mềm mã độc tống tiền trên nền tảng xâm phạm dữ liệu cá nhân; hacker tài khoản mạng xã hội, Deepfake AI, khai thác điểm yếu. Những mối đe dọa này, đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật trong nước cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tội phạm toàn cầu…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND khẳng định: Hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm công nghệ cao là một chủ trương lớn nên trong khuôn khổ hội thảo sẽ khó có thể bàn luận hết được các khía cạnh của chủ đề này. Đồng chí Giám đốc Học viện ANND mong muốn các đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia thực tiễn trong nước và quốc tế sau hội thảo này cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và đề xuất các giải pháp về hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu vì sự thịnh vượng, an ninh, an toàn, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân