Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng chức năng của TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 461 vụ việc liên quan đến lừa đảo với tổng số tiền thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng, khởi tố 242 vụ án, cho thấy tính chất phức tạp của các hình thức lừa đảo này.
Những thông tin, số liệu trên được Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” do Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức sáng 18/12.
Theo Thượng tá Đới Ngọc Thắng, hiện vẫn còn một bộ phận người dân do không nhận diện được hành vi lừa đảo trên không gian mạng nên vẫn mắc bẫy, trở thành nạn nhân của đối tượng phạm tội.
Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Công an thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch để chủ động nắm tình hình, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Kết quả, Công an thành phố đã khám phá, khởi tố, điều tra nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân. Điển hình như vụ vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới với số tiền rất lớn, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam; vụ Đỗ Ngọc Thùy Dung và Trương Thụy Thanh Trúc chiếm đoạt 146 tỷ đồng của ngân hàng…
Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết Phòng sẽ tiếp tục tham mưu Công an thành phố phối hợp các Cục Nghiệp vụ có liên quan đề xuất Bộ Công an kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng; bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý hoạt động đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
Đối với các loại tài khoản số, người sử dụng mạng cần chú ý việc bảo mật tài khoản, không truy cập vào các đường link lạ, cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản…
Đặc biệt, các tổ chức tài chính, ngân hàng là một trong những mục tiêu mà tội phạm sử dụng công nghệ cao thường nhắm đến, cần phải quan tâm đầu tư đúng mức tiềm lực an ninh mạng, nhận diện và chủ động ngăn chặn các rủi ro bị tội phạm tác động hoặc lợi dụng dịch vụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đề xuất, cơ quan chức năng cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về Blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo. Đối với Cơ quan Công an, cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo…
Tác giả: Theo Báo Công an nhân dân