Theo lý giải của lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, việc gia tăng đột biến hồ sơ đề nghị cấp lý lịch tư pháp, ngoài nhu cầu do học sinh, sinh viên nhập học, người lao động đi làm, còn là việc công ty, một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động sử dụng phiếu lý lịch tư pháp. Mặc dù Luật Tư pháp không quy định về thời hạn giá trị của thủ tục tư pháp nhưng những doanh nghiệp, công ty này vẫn yêu cầu công nhân sau 6 tháng phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp mới. Điều đáng nói, thực tế những lao động đó vẫn đang làm việc bình thường, hàng ngày tại doanh nghiệp, công ty trên, chủ doanh nghiệp đã nắm được nhân thân. Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cũng thừa nhận, đang có hiện tượng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp và hậu quả đổ lên đầu công nhân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, rõ ràng ở đây có chuyện “đẻ” thêm thủ tục, nhất là trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị đã lợi dụng kẽ hở để “hành” công nhân, người lao động. Nhấn mạnh việc cấp lý lịch tư pháp không phải vấn đề nhanh hay chậm, mà phải xem xét dưới góc độ việc doanh nghiệp, công ty đó yêu cầu người lao động có phiếu lý lịch tư pháp sau 6 tháng có đúng luật hay không?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ rõ: Việc lạm dụng một cách vô lối để “hành” người lao động như vậy là không thể chấp nhận được và phải xử lý. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, xã hội, tư pháp…đẩy mạnh các biện pháp giải quyết thủ tục hành chính qua liên thông, trực tuyến. Thời gian công nhân, người lao động phải xếp hàng chờ lấy phiếu lý lịch tư pháp cần được chuyển hóa dành vào thời gian hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động…
Sự chỉ đạo quyết liệt cũng như yêu cầu giải quyết ngay những tồn tại của người đứng đầu UBND TP Hà Nội đối với các sở, ngành, doanh nghiệp trong câu chuyện “hành dân” về lý lịch tư pháp là điều rất đáng mừng. Rõ ràng, trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia, lãnh đạo TP Hà Nội đã và đang lãnh đạo với tư duy và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề rất “vì dân”, yêu cầu các sở, ngành phải nhanh chóng chuyển đổi không chỉ tư duy mà còn là phương thức làm việc từ “thủ công sang công nghệ”, từ “cách làm cũ sang hiện đại”.
Chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội đối với các sở, ngành là rất rõ ràng. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng đã truyền đi thông điệp quyết liệt trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số. Nhưng từ câu chuyện “ách tắc” và “hành dân” trong phiếu lý lịch tư pháp trên, dư luận cho rằng sự chuyển mình của một số bộ, ngành, địa phương đối với Đề án 06 ở nhiều lĩnh vực vẫn còn khá chậm. Có người dân đặt ra câu hỏi, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã hoàn thành, những thông tin của người dân thay vì phải “giấy tờ”, thủ công như trước thì nay sao không “số hóa”, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Muốn làm được điều đó, rõ ràng các dữ liệu chuyên ngành cũng phải được số hóa, cập nhật, đối sánh, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, địa phương.
Trong cuộc họp của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ vào tháng 4 vừa qua, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 06 cũng gợi mở các bộ, ngành, địa phương cần sớm nghiên cứu, số hóa dữ liệu, tích hợp vào CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử để loại bỏ đi những phiền hà, không để người dân bị “hành” bởi những thủ tục hành chính mang tính thủ công như cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ trong những buổi làm việc với các thành viên của Tổ Công tác Đề án 06 gồm lãnh đạo các bộ, ngành, cũng như các địa phương như Hải Dương, Kiên Giang, Đồng Nai, Ninh Bình…đều nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các công ty, doanh nghiệp “hành” lao động bằng giấy xác nhận cư trú hay phiếu lý lịch tư pháp.
Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử, 25 dịch vụ công… được Bộ Công an xây dựng, quản lý, cung cấp, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng tạo lập, kết nối dữ liệu, xây dựng những dịch vụ công trực tuyến, liên thông để phục vụ hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu của Đề án 06 cũng như của bộ, ngành, địa phương. Hiện, Bộ Công an đang hỗ trợ nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai gần 30 mô hình ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip...phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tới thời điểm này, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Cùng với đó, Bộ Công an đã cấp trên 80 triệu thẻ CCCD gắn chip, và đang phấn đấu “phủ sóng” cho toàn bộ số công dân đủ điều kiện còn lại. Hiện đã có 235 xã, 2 địa phương gồm Hà Nam, Hà Tĩnh hoàn thành 100% cấp CCCD gắn chip và 19 tỉnh đăng ký hoàn thành trước 30/5/2023.
Ngay ở Hà Nội, Công an Thủ đô cũng đang thực hiện Mệnh lệnh số 01 với quyết tâm đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành 100% cấp CCCD gắn chip cho công dân. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia, tài khoản định danh điện tử, không chỉ những trường thông tin của công dân được tích hợp vào CCCD gắn chip, VNEID, Bộ Công an đã có “bản đồ số” cho phép thống kê, phân tích, dự báo các chỉ số như: Mật độ dân cư, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, quan hệ hôn nhân, thành phần gia đình…để phục vụ cho các bộ, ngành, địa phương quản lý, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 và lấy chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng- động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã rất ấn tượng khi có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển ứng dụng trên internet và mobile. Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch 25 triệu thông tin tín dụng của khách hàng, phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNEID; làm sạch thông tin khách hàng qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu hóa quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Những kết quả của ngành ngân hàng đã và đang chứng minh câu chuyện về tính cấp thiết, hiệu quả trong ứng dụng Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tiện ích của CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử…trong phát triển kinh tế số, công dân số, xã hội số, Chính phủ số hiện nay.
Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy
Nguồn tin: cand.com.vn