Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi cần thiết

Thứ hai - 22/07/2024 05:10

Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 gồm 2 điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Điều 2 là Điều khoản thi hành.

Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm các luật: Luật Tổ chức TAND; Luật Lưu trữ; Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự ATGT đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. Dự buổi họp báo có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có các đồng chí: Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND Tối cao…; đại diện lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc hôi; các đơn vị chức năng. 

Trước khi bắt đầu họp báo, các đại biểu, phóng viên tham dự đã dành phút mặc niệm để tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

hb.jpg -0
Phó Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các dự án luật.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã giới thiệu tóm tắt các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trật tự ATGT đường bộ.

Giới thiệu tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 gồm 2 điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Điều 2 là Điều khoản thi hành.

“Việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra; tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế; đồng thời luật hoá một số biện pháp cảnh vệ của lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

lqh.jpg -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tại buổi họp báo.

Theo đó, Điều 1: sửa đổi, bổ sung Điều 3, về “Đối tượng cảnh vệ” và bổ sung giải thích một số từ ngữ về công tác cảnh vệ; bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 6; sửa đổi, bổ sung điều 10 (bổ sung đối tượng cảnh vệ); quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết. Tách Điều 11 thành 2 điều về chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ; tách điều 12 thành 2 điều; sửa đổi, bổ sung điều 13, cụ thể quy định chung biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu. Bổ sung 1 khoản tại các Điều 11a, Điều 12a, Điều 13 và Điều 14, cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện; sửa đổi, bổ sung Điều 15 quy định Người là đối tượng cảnh vệ có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ; sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 16 để phù hợp với nhu cầu thực tiễn về bố trí lực lượng Cảnh vệ hiện nay đồng thời bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật quy định về tổ chức, bộ máy; bảo đảm không phát sinh bộ máy, biên chế; sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 18 theo hướng luật hoá một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện…

Cụ thể, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. Cùng với đó, luật cũng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể, lần sửa đổi này bổ sung đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của luật này. Luật cũng quy định rõ về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo đó, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội: được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, được đảm bảo an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại; được bố trí xe CSGT dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô, được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa, được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay…

Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị: Được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi làm việc, nơi ở, được bố trí xe CSGT dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

Lần sửa đổi này, Luật Cảnh vệ đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo công tác đối ngoại. Luật cũng quy định, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành sẽ do Bộ trưởng Công an quyết định khi cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, huấn luyện diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an.

Nguồn tin: cand.com.vn

Công an tỉnh Hà Nam thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã...

Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay22,301
  • Tháng hiện tại565,387
  • Tổng lượt truy cập6,199,084
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây